Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện còn 3 vấn đề chưa có sự thống nhất quan điểm cần xin ý kiến UBTVQH
Chiều 9-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện còn 3 vấn đề chưa có sự thống nhất quan điểm cần xin ý kiến UBTVQH.
Trong đó, về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng (khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật), hiện nay, Ủy ban Kinh tế đang được giao chủ trì thẩm tra đối với các dự án Luật sau: Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).
Nội dung liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ đang được quy định tại một số dự thảo Luật nêu trên. Do vậy, cần bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất giữa các luật này về chào bán trái phiếu riêng lẻ.
“Nếu thực hiện như dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ phát sinh một số vấn đề sau.
Cùng một đối tượng là doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, khi chào bán cổ phiếu riêng lẻ thì thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn chào bán trái phiếu riêng lẻ thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
Điều này dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định của pháp luật.
Quy định này cũng không bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng…”, ông Thanh nêu rõ.
Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Điều 9 của dự thảo Luật) cũng là vấn đề còn có băn khoăn.
Về cơ bản, dự thảo Luật được tiếp thu theo hướng vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giữ như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện hành.
Cơ bản tán thành phương án này, song, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ hơn về ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký chứng khoán Việt Nam và bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng Thành viên hoặc Chủ tịch và thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên) của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Vấn đề thứ 3 là mô hình của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Điều 42 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 43 của dự thảo Luật như sau: "Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp”.