|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lương hưu: Làm sao để bà bớt sốc?

08:23 | 10/11/2017
Chia sẻ
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 điều chỉnh giảm lương hưu của cả lao động nữ và nam sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018. Dù là bước đi đầu tiên nhằm cân bằng quỹ hưu trí trong dài hạn nhưng đã gặp phải sự phản ứng của dư luận khi có sự điều chỉnh giảm đột ngột về quyền lợi của lao động nữ. Điều này báo hiệu một chặng đường gian nan để hướng tới... cân bằng quỹ hưu trí.
luong huu lam sao de ba bot soc
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 điều chỉnh giảm lương hưu của cả lao động nữ và nam sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Mức giảm gây sốc

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 điều chỉnh giảm lương hưu của cả lao động nữ và nam sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018. Dù là bước đi đầu tiên nhằm cân bằng quỹ hưu trí trong dài hạn nhưng đã gặp phải sự phản ứng của dư luận khi có sự điều chỉnh giảm đột ngột về quyền lợi của lao động nữ. Điều này báo hiệu một chặng đường gian nan để hướng tới... cân bằng quỹ hưu trí.

Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khi đạt tỷ lệ 45%, cứ mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được tính thêm 3%, còn lao động nam được tính thêm 2% đến khi đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%.

Từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu tại khoản 2, điều 56, Luật BHXH năm 2014.

Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, người lao động đóng đủ BHXH 15 năm được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được tính thêm 2%. Như vậy, lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (xem biểu đồ).

Đối với lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đóng BHXH đủ 16 năm mới được hưởng tỷ lệ 45%; nghỉ hưu năm 2019 phải đóng đủ 17 năm; năm 2020 đóng đủ 18 năm; năm 2021 đóng đủ 19 năm; năm 2022 đóng đủ 20 năm mới được hưởng tỷ lệ 45%. Như vậy, để được hưởng tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam phải đóng đủ 35 năm thay vì 30 năm như hiện nay.

Theo tính toán của ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam theo quy định mới so với quy định trước đây có mức giảm như nhau không phụ thuộc vào số năm đóng BHXH với tỷ lệ giảm tăng dần theo lộ trình số năm thực hiện điều chỉnh.

Cụ thể, lao động nam về hưu trong năm 2018 tỷ lệ hưởng giảm 2%; năm 2019, giảm 4%; năm 2020, giảm 6%; năm 2021, giảm 8%; và từ năm 2022 trở đi, giảm 10%.

Còn đối với lao động nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu từ năm 2018 sẽ giảm nhưng theo tỷ lệ giảm khác nhau và phụ thuộc vào số năm đóng BHXH. Cụ thể, lao động nữ đóng 20 năm, tỷ lệ hưởng giảm 5%; đóng từ 21-27 năm tỷ lệ hưởng giảm khoảng 6%; số năm đóng là 21 năm và 27 năm, tỷ lệ giảm cao nhất là 10%.

Như vậy, thay vì giảm từ từ 2% mỗi năm như nam thì mức giảm của lao động nữ khá đột ngột, từ 5-10%, tùy thuộc vào số năm đã tham gia BHXH, trong đó nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có số năm đóng từ 21-27 năm.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó giám đốc Cơ quan BHXH Việt Nam, thừa nhận việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ tác động đến lao động nữ mà có tác động chung đến tất cả người lao động. Tuy nhiên, tác động đến lao động nam là từng bước theo lộ trình, còn với lao động nữ thì không có lộ trình.

“Theo dự báo của chúng tôi, năm 2018, sẽ có khoảng 49.700 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 người trong số đó chứ không phải hàng triệu lao động nữ như báo chí nói”, ông Sơn giải thích.

Vì sao lại quy định như trên?

Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, trước kia khi xây dựng luật, bộ đã đưa ra nhiều phương án giảm lương hưu đối với nữ, trong đó có phương án giảm từ từ, tức thay vì giảm từ 3% xuống 2% trong một năm thì giảm trong nhiều năm. Tuy nhiên, phương án cuối cùng là do Quốc hội lựa chọn.

Dù vậy, khi các quy định ban hành vấp phải sự phản ứng của dư luận và cho thấy có sự thiếu công bằng giữa lao động nam và lao động nữ thì nên sửa. Nhưng theo ông Huân, phương án sửa không phải chỉ để kéo dài thời gian áp dụng vì đến thời điểm áp dụng mới sẽ lại gặp sự phản đối như hiện nay mà cần phải điều chỉnh có lộ trình sao cho mỗi năm lương hưu của lao động nữ chỉ giảm 2% như đối với nam giới mà không giảm một cách đột ngột ở mức cao nhất 10% như hiện nay.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân phân tích, kể từ năm 2018 tiền lương tháng đóng BHXH sẽ bao gồm cả phụ cấp có tính chất lương và các khoản bổ sung khác. Điều này sẽ làm tăng thêm mức hưởng lương hưu của người nghỉ hưu nếu như việc đóng BHXH tuân thủ nghiêm túc.

Vì vậy, khi thực hiện đồng bộ việc tăng thời gian đóng BHXH và tăng nền đóng BHXH thì mức giảm lương hưu của người lao động sẽ dao động không quá 7% đối với người nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi so với quy định trước đây. “Những tác động này là tất yếu hướng tới sự công bằng hơn trong mức hưởng và đảm bảo tốt hơn sự cân đối của Quỹ BHXH trong dài hạn”, ông Tân nói.

Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động tới lao động nữ, ông Tân cho hay, nên cân nhắc bổ sung quy định lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018-2021 có số năm đóng BHXH từ 22-26 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu giảm không quá 6% so với quy định trước đây. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và giải thích cho người lao động biết lộ trình thực hiện các quy định mới của Luật BHXH để sớm tạo sự đồng thuận khi bước vào các năm quy định triển khai.

Về dài hạn, theo ông Huân, phải thay đổi cách tiếp cận lương hưu, chuyển từ mức hưởng xác định trước (defined benefit) như hiện nay sang mức đóng xác định trước (defined contribution) thông qua tài khoản cá nhân, tức đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu và không có sự chia sẻ giữa những người tham gia.

Rõ ràng ai muốn hưởng lương hưu cao thì phải đóng nhiều, tức là tỷ lệ đóng cao lên, thời gian đóng dài hơn... Nhưng những điều chỉnh này có cái khó riêng của nó. “Ai cũng mong muốn sau cải cách cái gì cũng tốt lên, hưởng nhiều hơn đóng ít đi. Nhưng con đường chúng ta đi thực tế không được vậy”, ông Huân nói.

Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH, cho hay bộ đã có văn bản trình Chính phủ hai phương án thay đổi đối với cách tính lương hưu của lao động nữ quy định tại khoản 2, điều 56, Luật BHXH năm 2014. Theo đó, phương án đầu là kéo dài thời gian áp dụng cách tính trên tới thời gian thích hợp. Phương án hai là vẫn áp dụng phương án điều chỉnh lương hưu đối với nữ nhưng theo công thức mới, điều chỉnh giảm từ từ để tránh thiệt thòi cho lao động nữ.

Theo đúng quy trình, để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH, thì sau khi Chính phủ thống nhất phương án sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định.

Trước đó, điều 60 (BHXH một lần) của Luật BHXH 2014 có hiệu lực vào đầu năm 2016 được soạn thảo nhằm mục đích bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động nhưng khi đi vào quy định cụ thể do chưa sát với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước nên vấp phải sự phản đối của dư luận. Sau đó, Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết lùi thời hạn áp dụng điều 60 tới thời điểm thích hợp.

Tới nay, khoản 2, điều 56, luật BHXH năm 2014 tiếp tục gặp phải sự phản ứng của dư luận khi phương án giảm lương hưu của nữ cho thấy sự bất bình đẳng với nam giới. Lần này, chưa biết Quốc hội sẽ quyết định như thế nào khi vừa muốn tiến tới cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn vừa lại muốn đảm bảo quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Cả hai trường hợp đều cho thấy mỗi quyết định thay đổi là không hề đơn giản, đặc biệt theo hướng giảm quyền lợi của người lao động.

luong huu lam sao de ba bot soc Người nhận lương hưu hơn 100 triệu đồng/tháng là ai?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, người hiện hưởng lương hưu hơn 100 triệu đồng/tháng là ông P.P.N.T. (quận 7, TP ...

Thùy Dung