Lưới truyền tải kém, 'tử huyệt' ngành điện
Vì sao thiếu điện?
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2019 tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 209.465,9 triệu kWH, tăng 9,5% so với cùng kỳ; Tổng lượng điện thương phẩm (tổng sản lượng điện Tập đoàn Điện lực VN bán cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng và cho các đơn vị bán lẻ điện) ước đạt 193.202,7 triệu kWh, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực VN, nước ta đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể về nhu cầu năng lượng, được dự đoán sẽ tiếp tục tăng với tốc độ lên đến 2 con số trong những năm tới.
Trên thực tế, phát triển điện mặt trời (ĐMT) là giải pháp được Chính phủ ưu tiên đến năm 2020, tuy nhiên, ngành điện đang phải đối mặt với vấn đề nghẽn đường truyền do hạ tầng lưới điện quốc gia chưa kịp hoàn thiện cho ĐMT nối lưới. Mặt khác, sự thiếu hụt nguồn nước thủy điện, nguồn than đang đẩy cho ngành điện vào tình trạng báo động.
Trong Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh ban hành tháng 3/2016 có mục tiêu đưa tổng công suất nguồn ĐMT từ mức không đáng kể ở thời điểm đó lên khoảng 850MW vào năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả rà soát tình hình thực hiện cho thấy: Có 62 dự án với công suất trên 200MW chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.
Đặc biệt, nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm, lùi hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro về tiến độ như: Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Sơn Mỹ 1, Song Hậu 2, Long Phú 2, Nam Định 1, Quảng Trị 1, Nhơn Trạch... Phần lớn trong số này là dự án BOT.
Trước thực tế trên, Thủ tướng đã có chính sách tăng giá mua ĐMT. Từ đây, hàng loạt dự án ĐMT gấp rút đưa vào vận hành cùng lúc trước thời điểm 30/6/2019 để hưởng chính sách. Cụ thể, tính đến 4/2019 toàn hệ thống chỉ có 5 nhà máy ĐMT nhưng chỉ đến tháng 6/2019 con số này đã vọt lên 82 nhà máy ĐMT.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy, nâng tổng số nhà máy ĐMT lên 95. Tổng công suất khoảng 4.000MW, vượt 308% so với quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi công suất nguồn điện cả nước là 45.000MW.
Như vậy, để nối lưới được công suất ĐMT hiện có cần phát triển hạ tầng lưới điện đủ truyền tải cho khu vực.
Tuy nhiên, việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm, tạo nên điểm vênh giữa năng lượng ĐMT và truyền tải hiện có. Để duy trì ổn định lưới, buộc các đơn vị ĐMT phải hạ công suất phát, có những đơn vị buộc phải hạ tới 60 - 70% công suất ngay sau khi vừa đóng điện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nhận định: “Năm 2019 - 2020, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, nếu cứ đà này, cộng thêm việc hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2021 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.
Miền Nam sẽ là khu vực thiếu điện trầm trọng nhất, khoảng 3,7 tỷ kWh vào năm 2021 và tăng lên 10 tỷ kWh vào 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023, khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025”.
Giải pháp nào gỡ khó?
Ai chịu trách nhiệm nếu thiếu điện?
Trước câu hỏi truy trách nhiệm như thế nào để xảy ra tình trạng thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay: “Bộ sẽ sát sao kiểm soát những dự án chậm tiến độ và quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị sản xuất điện, từng bộ phận quản lý và chờ chỉ đạo của Thủ tướng”.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện sẽ liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường. Không được công bố tình trạng thiếu điện!”.
Trả lời báo chí, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thừa nhận, đầu tư lưới truyền tải không theo kịp tốc độ dự án ĐMT do việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải mất nhiều thời gian hơn tốc độ phát triển của ĐMT.
Trong quá trình xây dựng, thẩm định quy hoạch, Cục đã dự báo thực trạng này và cảnh báo nhiều lần.
“Các quyết định cấp phép dự án cũng nêu vấn đề về giải toả công suất, theo đó trường hợp lưới điện không vào kịp thì các dự án ĐMT phải giảm công suất phát đã được cân nhắc”, ông Hùng cho hay.
Ở khía cạnh khác, lãnh đạo Cục Điện lực cho biết, ngoài đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án lưới vào vận hành, sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép xã hội hoá, tư nhân vào xây dựng đường dây truyền tải; Báo cáo Thủ tướng có cơ chế đặc biệt triển khai công trình điện chống quá tải tới năm 2020.
Ngoài ra, Bộ Công thương chỉ đạo xây dựng lưới điện thông minh quốc gia nhằm trao đổi hai chiều, trong đó điện và thông tin đều có thể được chia sẻ theo hai hướng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ điện năng và khách hàng sử dụng.
Theo đó, lưới điện thông minh sẽ cho phép tích hợp trên quy mô lớn nguồn điện năng không ổn định như ĐMT, điện gió..., giúp ổn định và giảm tắc nghẽn trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, giải pháp cấp thiết trước mắt là cần tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Đồng thời huy động mức tối đa việc đưa vào vận hành kịp thời tiến độ các công trình truyền tải điện trước khi hoàn thiện theo kế hoạch của các dự án ĐMT nhằm tránh nghẽn mạch và hậu quả của nghẽn mạch.