|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Luật sư: Bà Chu Thị Bình chưa bị mất số tiền 245 tỷ đồng tại Eximbank

22:17 | 28/02/2018
Chia sẻ
Nhân sự việc bà Chu Thị Bình, một khách hàng lớn của Ngân hàng TCMP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được cho là bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm được gửi tại Eximbank, để hiểu rõ hơn về các khía cạnh pháp lý có liên quan đến vấn đề hiện đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ công luận, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Chủ tịch kiêm Luật sư Điều hành của Legal United Law.
luat su ba chu thi binh chua bi mat so tien 245 ty dong tai eximbank Vụ mất 245 tỷ: Luật sư riêng của bà Bình lên tiếng
luat su ba chu thi binh chua bi mat so tien 245 ty dong tai eximbank Vụ 245 tỉ bốc hơi: Chủ tài khoản đồng ý nhận 14,8 tỉ tạm ứng
luat su ba chu thi binh chua bi mat so tien 245 ty dong tai eximbank Sếp Eximbank nói gì về trách nhiệm vụ mất 245 tỉ?
luat su ba chu thi binh chua bi mat so tien 245 ty dong tai eximbank
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Chủ tịch kiêm Luật sư Điều hành của Legal United Law.

PV: Thưa Luật sư, việc bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank sau khi gởi tiết kiệm tại ngân hàng này, nên được hiểu như thế nào?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Tôi cho rằng việc một số phương tiện truyền thông đề cập hay thông tin bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank, đây là cách thông tin có phần không chính xác, đúng ra nên là bà Chu Thị Bình chưa bị mất số tiền này và thực tế là bà Bình đang tiến hành việc đòi lại số tiền này thông qua hình thức yêu cầu được rút sổ tiết kiệm tiền gởi.

Việc thông tin thiếu phần chính xác như vậy, sẽ ảnh hưởng đến cả bà Bình lẫn Eximbank, vì thông tin bị mất tiền có thể tạo nên các đồn đoán, suy luận không đáng có, nhất là bà Bình hiện đang là cổ đông lớn và đang giữ vị trí quản lý chủ chốt trong Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (một công ty đại chúng) và sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đến uy tín, một yếu tố sống còn của hoạt động ngành ngân hàng, tài chính đối với Eximbank.

Theo tôi được biết, hiện cả bà Bình và Eximbank đang trong quá trình thương lượng, đàm phán để giải quyết các yêu cầu và quan điểm khác biệt giữa các bên. Bà Chu Thị Bình hiện chưa thể nói là bị mất số tiền 245 tỷ nhưng là bên đang bị thiệt hại thực tế liên quan đến việc chưa được sử dụng số tiền này.

Vậy quan điểm của luật sư như thế nào về trách nhiệm của Ngân hàng Eximbank trong vấn đề trên?

Ở đây cần phải xác định mối quan hệ giữa bà Bình và Ngân hàng Eximbank là một mối quan hệ tín dụng, và mối quan hệ này được điều chỉnh chung bởi các quy định của pháp luật dân sự và được điều chỉnh riêng bởi pháp luật về tổ chức tín dụng, về hoạt động tín dụng, hoạt động ngân hàng nói riêng.

Trách nhiệm của Eximbank sẽ được nhìn nhận ở hai khía cạnh chính. Thứ nhất là trách nhiệm với nhân sự, người làm thuộc hệ thống ngân hàng của mình. Cụ thể là trách nhiệm liên quan đối với các hành vi của ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Eximbank- Thành phố Hồ Chí Minh) và các nhân sự khác tham gia cùng ông Hưng (nếu có). Thứ hai là trách nhiệm với bà Bình, là khách hàng của ngân hàng trong mối quan hệ tín dụng.

Tôi cho rằng, Eximbank sẽ không thể chối bỏ hai nhóm trách nhiệm này. Và thực tế theo tôi theo dõi thì Eximbank không chối bỏ hai nhóm trách nhiệm này, nhưng thừa nhận trách nhiệm ở mức độ nào để đáp ứng các yêu cầu của bà Bình thì các bên lại chưa có tiếng nói chung.

Xin luật sư nói rõ hơn về trách nhiệm của Ngân hàng Eximbank liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của ông Lê Nguyễn Hưng trong mối quan hệ giải quyết lại khoản tiền gởi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình?

Trách nhiệm hình sự do các hành vi vi phạm pháp luật hình sự do cá nhân ông Lê Nguyễn Hưng gây ra thì cá nhân ông ấy sẽ gánh chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, vì ông Lê Nguyễn Hưng trong thời gian làm việc cho Eximbank đã gây ra thiệt hại cho bà Bình, là một khách hàng của Eximbank, nên dưới góc độ pháp lý tình huống này sẽ được hiểu và xem xét về trách nhiệm của nhân sự thuộc pháp nhân gây ra.

Và theo các quy định của pháp luật về dân sự và lao động, tình huống trách nhiệm này có thể được nhìn nhận theo hai nhóm quy định về “bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra” và “bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra”.

Liên quan đến khoản tiền mà Eximbank đồng ý tạm ứng 14,8 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình trong khi chờ quyết định của tòa, ông đánh giá gì về đề nghị tạm ứng này của Eximbank?

Tôi chưa biết được lý do Eximbank tạm ứng là gì và vì sao phải tạm ứng, vì thông thường tạm ứng thanh toán phải có lý do cụ thể. Trong trường hợp này, nếu lý do tạm ứng để chờ quyết định của tòa án theo câu hỏi của nêu trên thì tôi đánh giá là không ổn cho chính cả Eximbank lẫn bà Bình.

Quan điểm cá nhân của tôi, là nếu thừa nhận đây là một khoản thanh toán trong số tiền sẽ thanh toán trong khi chờ kết quả giải quyết của tòa án thì sẽ có lợi hơn cho bà Bình. Đề nghị tạm ứng số tiền 14,8 tỷ đồng cũng là một hướng mở về cách xử lý của ngân hàng nhưng cái chính ở đây, là chúng ta chưa biết được các điều kiện ràng buộc kèm theo của khoản tạm ứng này mà Eximbank đề nghị là gì, nếu kèm theo điều kiện chờ quyết định của tòa án hay chờ bản án có hiệu lực thì bà Bình không đồng ý cũng có lý do của bà ấy.

Vậy xét dưới góc độ pháp lý tại sao cho tới thời điển hiện tại bà Bình lại không chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan tòa án theo đề nghị của ngân hàng Eximbank?

Về quan điểm thực tế, chính bà Bình cũng đã có trả lời là nếu đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của của cho cả hai bên.

Xét về góc độ pháp lý, tôi cho rằng đây là lựa chọn khôn ngoan của bà Bình cho tới thời điểm hiện tại. Lựa chọn này có thể có nhiều lý do, trong đó có thể có lý do quan trọng là bà Bình không thừa nhận tranh chấp với Eximbank, vì đơn thuần Bà Bình chỉ đưa ra yêu cầu lấy lại số tiền tiết kiệm đã gửi và tiền lãi phát sinh từ số tiền gởi gốc, còn nguyên nhân vì sao tiền gửi bị mất thì bà Bình không quan tâm.

Ngoài ra, tôi cho rằng chính Eximbank cũng có quyền khởi kiện bà Bình ở cơ quan tòa án để yêu cầu tòa án ra phán quyết về một số các nội dung có liên quan đến tranh chấp, thế nhưng vì sao Eximbank lại không thực hiện mà phải chờ đợi bà Bình khởi kiện trước. Đây cũng là một câu hỏi thú vị về góc nhìn pháp lý của sự việc.

Nếu Eximbank vẫn từ chối trả tiền cho đến khi có phán quyết có hiệu lực của tòa án thì sao?

Đây là một tình huống giả định hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, các bên có thể đã có các tính toán riêng và giải pháp pháp lý hay giải pháp riêng của mình để giải quyết vấn đề.

Tôi đánh giá bà Bình sẽ có nhiều giải pháp và nhiều lựa chọn hơn cho con đường ngoài tố tụng so với Eximbank. Cái chính là các bên đánh giá, nhìn nhận như thế nào về thiệt hại sẽ xảy ra, bao gồm cả các thiệt hại gián tiếp. Trong thực tế, có nhiều trường hợp thiệt hại gián tiếp do các tranh chấp lại lớn hơn thiệt hại trực tiếp rất nhiều lần.

Xin cảm ơn luật sư!

Khải An