Luật Quy hoạch: Ngạc nhiên khi một số bộ vẫn nói \"ngược\"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Hôm nay tôi đến đây trong tâm trạng rất sảng khoái để nghe Thường vụ góp ý để tiếp thu chỉnh sửa chứ không nghĩ là vẫn nghe nói ngược như mấy tháng trước
Ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư - được giao chủ trì soạn thảo - có Bộ trưởng, các Bộ Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường đều cử thứ trưởng tham dự phiên họp.
Và các vị này đều lần lượt được mời phát biểu trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, và đều còn có những băn khoăn, có vị nhắc đi nhắc lại tới ba lần là "rất lo lắng".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cân nhắc không nên quy định cứng là chỉ được dùng ngân sách để thực hiện quy hoạch vì nếu xoá bỏ kinh phí xã hội hoá thì ngân sách không thể đáp ứng được.
Vị này cũng băn khoăn vì dự án luật liên quan đến mấy chục luật khác nên cần tiếp tục mổ xẻ xem cái gì liên quan và điều khoản chuyển tiếp thế nào. Ngoài ra Luật này ra đời ngay lập tức ảnh hưởng đến 13 ngàn quy hoạch xây dựng mà hầu hết có tầm nhìn đến 2050 vậy những đồ án đã được duyệt đang làm đang tốt lạị phải lập lại thì tốn bao nhiêu kinh phí.
Ba lần nhấn mạnh "rất là lo lắng", vị thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nêu hàng loạt bất cập từ quy định về quy hoạch không gian biển đến quy hoạch sử dụng đất. Đáng chú ý là có những việc đang làm rất tốt và thực hiện nghị quyết của Trung ương giờ cũng đề xuất điều chỉnh khi chưa có tổng kết đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngạc nhiên khi không phải lần đầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch nhưng lần nào các bộ, ngành đều không thống nhất. Trong khi Chính phủ đã trình dự án luật thì trước khi trình phải thảo luận và thống nhất trong nội bộ.
Ý kiến rất khác nhau, thậm chí là rất bức xúc, theo Chủ tịch là "chưa ổn", cần xem lại hồ sơ xem thế nào.
Cho rằng ý kiến của các vị thứ trưởng rất đáng quan tâm, Chủ tịch băn khoăn: Chính phủ ký trình dự án luật thì số thành viên đồng ý nhiều hay không? hay các ông bộ trưởng chẳng quan tâm còn thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thì thấy chưa được, như thế chất lượng có đảm bảo không?
Chúng tôi không nói là thứ trưởng sai nguyên tắc gì đâu, chúng ta phải lắng nghe các ý kiến khác, Chủ tịch nói.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh dự án luật ra Thường vụ nhiều lần nhưng lần nào một số bộ cũng không đồng tình, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng chỉ có Bộ Xây dựng có văn bản nói rõ là không đồng tình còn các bộ khác không có.
Cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trước hết phải thống nhất nguyên tắc làm việc. Với các dự án luật, trong đó có Luật Quy hoạch Chính phủ đã bàn rất nhiều lần đã bỏ phiếu và đủ điều kiện thì mới trình Quốc hội.
Khi đã trình thì các ý kiến không chính thức chỉ để tham khảo, ra đây bộ ngành nói ngược nói khác là trái nguyên tắc làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho biết có lần Thủ tướng đã phê bình các bộ về việc tương tự như thế này rồi, bởi ra đến Quốc hội là không được nói ngược, nếu không cứ đẽo cày giữa đường.
"Chính phủ đã thống nhất, đã xin ý kiến Quốc hội rồi, tôi hiểu là đại biểu đồng tình cao và dư luận cũng đồng tình cao, tôi không nghĩ hôm nay các bộ nói ngược như thế. Hôm nay tôi đến đây trong tâm trạng rất sảng khoái, nghe Thường vụ góp ý để tiếp thu chỉnh sửa chứ không nghĩ là vẫn nghe các bộ nói ngược như mấy tháng trước", Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Vẫn theo Bộ trưởng thì khi có môt sự thay đổi chắc chắn có động chạm đến quyền hạn của cơ quan nào đó, nhóm người nào đó, họ có thể chưa hiểu hết nên chưa đồng tình cao, chưa muốn thay đổi. Ở các nước có cơ quan làm luật độc lập thì sẽ giải quyết được còn ở ta khi làm luật nhiều cơ quan chủ yếu xem có ảnh hưởng đến cơ quan mình hay không, chứ không suy nghĩ theo hướng là cần thay đổi cho xã hội tốt hơn nên ý kiến khác là bình thường.
Bộ trưởng còn cho biết thêm là đã có phụ lục các nội dung cần thay đổi, có những luật sửa rất đơn giản, thì chỉ cần bỏ đi hai chữ quy hoạch thôi, đơn giản chứ không quá phức tạp.
Cho rằng có những lúc ý kiến thiểu số lại đúng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý là cần lắng nghe, suy nghĩ về các ý kiến này.
Nếu bộ này bộ kia vẫn có ý kiến thì chưa được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trao đổi lại, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Yêu cầu sớm hoàn thiện để trình lại dự thảo luật, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển lưu ý lần sau trình thì tiếng nói phải đồng thuận. Người ta thấy vẫn có vấn đề, trong lòng chưa yên thì có ý kiến và cần tiếp tục lắng nghe để tạo nên sự đồng thuận cao nhất, ông Hiển nói.