|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Luật Quản lý thuế sửa đổi có chặn được Grab, Uber, Google, Facebook trốn thuế?

11:22 | 28/11/2017
Chia sẻ
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước của các công ty đa quốc gia như Grab, Uber hay Google, Facebook,... bất chấp những đặc điểm về tính ảo, dễ tiếp nhận, dễ xoá bỏ, khó kiểm chứng thông tin của hoạt động giao dịch điện tử.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, 10 năm qua, Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là mô hình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) như mô hình hợp đồng điện tử của Grab, Uber hay mô hình thu tiền quảng cáo của Google, Facebook đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong công tác quản lý người nộp thuế.

luat quan ly thue sua doi co chan duoc grab uber google facebook tron thue

Ảnh minh họa.

Điển hình như trường hợp của Grab, Uber. Với Grab, vốn pháp định 20 tỉ đồng, nhưng sau hơn 3 năm hoạt động, đơn vị này đã báo lỗ lũy kế hơn 938 tỉ đồng với lý do lỗ là chi phí quảng cáo, khuyến mãi rất lớn, vì vậy, Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo báo cáo tài chính của Grab, tổng doanh thu 3 năm 2014-2016 là 1.755 tỷ, số thuế đã kê khai và nộp hơn 9,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo kết quả thanh tra của Cục Thuế TP.HCM về pháp luật thuế 3 năm tại Grab, ccơ quan này cho biết đã xử lý vi phạm sau thanh tra gần 3 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế xấp xỉ 2,3 tỷ.

Mới đây, Uber cũng bị Cục Thuế TP.HCM truy thu số thuế hơn 66,8 tỉ đồng. Sau đó Uber đã cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế của mình đầy đủ và chính xác.

Một lãnh đạo ngành thuế cho biết các công ty kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết, thể hiện dưới nhiều hình thức như công ty mẹ ở nước ngoài bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với giá cao hơn giá thị trường làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con ở Việt Nam.

Hay như với Google, Facebook, Bộ Tài chính cho biết, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: Phương thức thông qua các đại lý tại Việt Nam thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát sinh doanh thu.

Phương thức thứ hai là mua – bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Trường hợp này chưa được quy định rõ, phía mua dịch vụ sẽ bị thiệt vì không có hóa đơn nên sẽ không được tính vào chi phí hợp lý, hoặc bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác.

Như vậy, khi thanh kiểm tra thuế cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng; nhiều trường hợp cần đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn và phải truy lần theo thông tin thanh toán thực tế.

Mặt khác, với việc thanh toán dựa vào số lần click chuột trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài không dễ dàng, vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ.

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, giao dịch TMĐT có những đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, tính rộng lớn, tính quốc tế, dễ dàng tiếp nhận, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch.

Ngoài ra, việc quản lý chính xác được người nộp thuế, doanh thu phát sinh, nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, nắm bắt toàn bộ quá trình giao dịch… cũng rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam nên rất khó quản lý.

Ánh Dương