|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Luật đấu giá tài sản không thể tạo ‘đặc ân’ cho công ty xử lý nợ xấu

20:28 | 14/09/2016
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc luật Đấu giá tài sản có điều khoản quy định để một doanh nghiệp mới thành lập là VAMC được hưởng quy định "đặc ân" liên quan đến vấn đề đấu giá là vô lý.
luat dau gia tai san khong the tao dac an cho cong ty xu ly no xau
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn về quy định để VAMC tự đấu giá. Ảnh: Ngọc Thắng

Ý kiến trên của Chủ tịch Quốc hội nêu ra tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều nay (14.9), khi góp ý về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Đấu giá tài sản.

Trước đó, trình bày báo cáo về việc chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự Luật có quy định nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Theo ông Thanh, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chi tiết sẽ giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này. Tuy nhiên, quy định này không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, khi xảy ra vấn đề nợ xấu, Quốc hội khoá 13 đã phải loay hoay tìm mô hình xử lý. Thời điểm đó đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đến nay vấn đề nợ xấu vẫn chưa được đánh giá, tổng kết nên việc luật hoá mô hình VAMC phải được cân nhắc kỹ và phải có giải trình rõ ràng.

Góp ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn về quy định để VAMC tự đấu giá, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Theo bà Ngân, việc thành lập VAMC gọi là mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng thực ra là hạch toán chứ “không có tiền mà mua”. “Thành ra bây giờ báo cáo nợ xấu dưới 3% GDP là chưa chính xác. Nợ xấu nó treo trong này. Tức là giảm nợ xấu của ngân hàng A, B, C, cuối cùng phần giảm đó đem về bỏ vào VAMC. Ông này còn chưa bán được mà cuối cùng giao ông ấy tự đi đấu giá là không đảm bảo tính minh bạch”, Chủ tịch Quốc hội nói. Cũng Tại sao lại tạo đặc ân cho một doanh nghiệp mới thành lập? Chưa đánh giá được VAMC hoạt động hiệu quả đến đâu, nợ xấu còn treo ở đó”, bà Ngân đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu lại vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh không có đặc ân cho một công ty, doanh nghiệp nào thuộc các đối tượng điều chỉnh của Luật, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập như VAMC.

Giải trình về vấn đề này, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc đưa VAMC vào luật liên quan phạm vi điều chỉnh. Theo ông Long, nợ xấu là việc khó, trong thời gian qua, nợ xấu nổi lên như tình trạng nhất thời của nền kinh tế, xảy ra việc phải thực hiện các giao dịch liên quan đến nợ xấu.

Cũng theo ông Long, quy định của Nghị định 53 của Chính phủ về việc thành lập VAMC và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp về đấu giá tài sản thì VAMC được trao cơ chế đặc thù so với Nghị định 77 điều chỉnh về đấu giá nói chung. “Chúng tôi đã cố tính toán, thấy rằng nếu quy định đầy đủ vấn đề đấu giá nợ xấu vào luật thì khó về mặt kĩ thật. Do vậy, mới tính có điều khoản về VAMC”, ông Long cho biết. Trước ý kiến cần phải có tổng kết, đánh giá về VAMC, ông Long cho biết dự thảo có thể sẽ tiếp thu theo theo hướng không đưa vào quy định liên quan đến VAMC.

Theo Trường Sơn

Thanh Niên