Lừa đảo người mua vé Blackpink
Ngày 7/7, ban tổ chức đã mở bán vé Blackpink cho hai đêm diễn 29-30/7 tại Hà Nội. Sức nóng của sự kiện âm nhạc này có thể thấy được khi ngay trong phút đầu tiên mở bán, website bán vé đã bị sập và phải 10 phút sau mới có thể hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, ngay sau khi mua được vé, nhiều người đã nhanh chóng rao bán vé Blackpink trên mạng xã hội để kiếm lời. Nguyễn Hân (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đặt được hai vé CAT 2 có ghế ngồi với giá 5,8 triệu đồng, đã nhanh chóng mời chào bán lại với giá 7 triệu đồng.
Kiên trì đăng bài bán vé trên mạng xã hội, song Hân vẫn chưa chốt được người mua bởi không thống nhất được giá cuối. Hân cho biết cô không lo bởi sân vận động Mỹ Đình chỉ có sức chứa 50.000 chỗ ngồi, nhưng nhu cầu mua vé “đu idol” của các bạn trẻ là rất lớn.
“Tình trạng khan vé sẽ xảy ra, sẽ có nhiều người không mua được vé online phải tìm cách mua qua trung gian. Nên tôi không vội bán lại với giá rẻ”, Hân kể.
Tương tự, Bích Vân - nhân viên một công ty truyền thông tại TP HCM, cho biết việc săn vé Blackpink online là khá dễ dàng với cô. Trong ngày 7/7, cô đã đặt được một vé CAT 5 ( CAT 5 (1,2 triệu đồng) và một CAT 4 (1,8 triệu đồng). Cô đã bán cả hai vé này với giá tổng cộng 4 triệu đồng, lời 1 triệu đồng.
Ngoài ra, Vân cũng nhận bán hộ vé cho đồng nghiệp. “Do mát tay, nên đồng nghiệp cũng nhờ tôi bán hộ. Mỗi sự kiện âm nhạc ra mắt, tôi đều làm cách này và có thể kiếm được vài triệu mỗi lần”, Vân chia sẻ.
Có người bán cũng phải có người mua. Trang Phạm - nhân viên xuất nhập khẩu tại Hà Đông, Hà Nội cho hay, do bận công việc nên khi ban tổ chức mở bán vé cô đã không thể mua được. Do đó, tìm đến vé chợ đen là lựa chọn của những người như Trang.
Trang cho biết đã mua được hai vé CAT 3 với giá 4 triệu đồng/vé, đắt hơn so với giá gốc ban tổ chức đưa ra là 200.000 đồng. “Như vậy là quá rẻ rồi. Mình may mắn mua lại được đúng từ bạn hâm mộ Blackpink nhưng vì việc cá nhân mà lại không tham gia được, phải bán lại”, Trang chia sẻ.
Theo quan sát của người viết, trên các nhóm Facebook, bài đăng về bán vé Blackpink thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Điều này chứng tỏ nhu cầu mua lại vé trên thị trường khá lớn và sôi động.
Bích Vân chia sẻ, để bán lại vé dễ dàng, người bán cần chọn những vé có mức giá trung bình, vị trí không quá xa sân khấu và chịu lời ít sẽ có nhiều người hỏi mua. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, Vân cũng cảnh báo người hâm mộ không nên quá nóng vội mà mắc bẫy kẻ lừa đảo.
“Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin hình ảnh khoe vé của mọi người trên mạng xã hội, sau đó chỉnh sửa và rao bán lại. Chúng sẽ yêu cầu người mua phải đặt cọc để giữ vé, mức cọc thường từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng/vé”, Vân cho biết.
Ngoài ra, những đối tượng xấu còn có thể bán một mã vé online cho nhiều người cùng lúc. Khi ấy, chỉ những người check in đầu tiên mới được qua cửa.
Để tránh tình trạng này, phía IME Việt Nam - đơn vị tổ chức tour diễn cho hay: "Tất cả vé là tài sản của IMe Việt Nam. Khách hàng không được sử dụng vé cho mục đích khuyến mãi mà không có sự cho phép của công ty. Vé được ban tổ chức bán trực tiếp cho người mua vé.
Bất kỳ vé nào được mua bởi doanh nghiệp hoặc kênh phân phối khác với mục đích bán lại vé và/hoặc tiếp thị và khuyến mại đều vi phạm các điều khoản và quy định này, do đó có thể bị coi là không hợp lệ và có thể bị vô hiệu hóa".
IME Việt Nam nhấn mạnh vé vi phạm những điều kiện này có thể bị vô hiệu hóa mà không được hoàn lại tiền, người có vé sẽ bị từ chối vào xem concert mà không có ngoại lệ.
Để tránh bị lừa khi mua vé online tại các sự kiện âm nhạc, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu đưa ra 4 lưu ý cho người hâm mộ: Thứ nhất, người hâm mộ cần cẩn trọng khi mua vé chợ đen, tránh bị mua vé giá cao hoặc bị lừa mua vé giả mạo.
Thứ hai, không mua vé trên các trang web, fanpage, nhóm hoặc cá nhân vì không rõ nguồn gốc, không xác thực được. Cho nên chỉ mua trên trang web chính thống của sự kiện, ví dụ một trường hợp sự kiện âm nhạc đang nổi hiện nay như Blackpink thì ban tổ chức họ cũng thông báo là không phát hành vé mời, vé giấy và chỉ phát hành vé online trên một kênh chính thống duy nhất là Ticketbox.
Thứ ba, hiện tại một số KOL/KOC (người có tầm ảnh hưởng) đang có chiêu trò in vé cứng để PR bản thân nhằm mục đích "câu like, câu view" và có người còn lừa đảo người mua vé. Vậy nên người hâm mộ không nên hoang mang để bị rơi vào "bẫy" của những đối tượng này.
Cuối cùng, theo ông Hiếu, mọi bài đăng trên mạng xã hội với nội dung cọc vé, bán vé đều là lừa đảo. Ngoài ra, nhiều đối tượng lừa đảo trục lợi dựa vào các sự kiện lớn để kêu gọi tài trợ cho sự kiện, mời các thương hiệu đứng ra tài trợ cho sự kiện với khoản tiền rất lớn.