|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lotte C&F vào Việt Nam: ‘Chiếc ví’ mua trước trả sau thêm lớn

11:15 | 27/09/2024
Chia sẻ
Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam thêm sôi động khi tập đoàn Lotte của Hàn Quốc chính thức gia nhập cuộc chơi.

Sáng 27/9 tại Hà Nội, Lotte C&F - dịch mua mua hàng trả chậm (BNPL) thuộc tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, đồng thời triển khai hợp tác với Lotte Mart. 

Lotte C&F được đầu tư từ hai nhánh tài chính chủ lực của tập đoàn là Lotte Capital (Hàn Quốc) và Lotte Financial (Nhật Bản).

Những năm gần đây, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và xu hướng mua sắm trực tuyến đã thúc đầy các dịch vụ mua trước trả sau trở nên ngày càng phổ biến. Theo Vietnam Briefing, thị trường BNPL toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 45% mỗi năm, đạt quy mô 4,7 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2028.

Tại Việt Nam, xu hướng mua trước trả sau không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày linh hoạt mà còn giúp giảm áp lực tài chính, đồng thời mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi. 

Ông Shin Ju Back, Tổng Giám đốc Lotte Mart, cho biết mua trước trả sau xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam vào năm 2019, đang phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 32% và sẽ sớm trở thành phương thức thanh toán cốt lõi tại tất cả các cửa hàng và trang thương mại điện tử.

Ông Shin Ju Back, Tổng Giám đốc Lotte Mart, trong sự kiện sáng 27/9 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Do đó, trong bối cảnh này, tập đoàn Hàn Quốc cho biết muốn ra mắt kênh đại lý bán lẻ theo mô hình mua trước trả sau nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường. 

“Là một trong những tập đoàn đa ngành đây được xem là bước đi chiến lược quan trọng của Lotte khi quyết định đầu tư phát triển Lotte C&F dựa trên kinh nghiệm lâu năm và sức mạnh tài chính vững chắc”, phía Lotte C&F cho hay.

Để đánh dấu sự ra mắt tại thị trường Việt Nam, Lotte C&F triển khai hợp tác chiến lược với chuỗi siêu thị Lotte Mart. Sự kiện hợp tác với Lotte Mart giúp Lotte C&F tiếp cận đông đảo người dùng hiện đại và cung cấp dịch vụ mua hàng thông minh qua hệ sinh thái mua sắm của chuỗi siêu thị. 

Ông Inaishi Noritaka, Tổng Giám đốc Lotte C&F, chia sẻ: "Chính thức ra mắt và hợp tác cùng Lotte Mart với gần 10.000 khách hàng mỗi tháng, chúng tôi mong muốn nhiều khách hàng có thể trải nghiệm tiện ích của Lotte C&F”.

Ông Inaishi Noritaka, Tổng Giám đốc Lotte C&F, trình bày lộ trình của doanh nghiệp tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Trên thị trường, các dịch vụ mua trước trả sau đang mọc lên như một giải pháp thay thế phổ biến cho thẻ tín dụng truyền thống. Xu hướng này được những người tiêu dùng trẻ tuổi rất ưa chuộng.

Các khoản vay nhỏ này từ những dịch vụ mua trước trả sau cho phép người dùng chia một giao dịch mua thành nhiều khoản thanh toán bằng nhau để được trả theo từng mốc thời gian, thường là ít hoặc không phải trả lãi suất.

Chính sự tiện lợi này đã giúp xu hướng mua trước trả sau bùng nổ đối với những người dùng thuộc GenZ, theo báo cáo “Buy Now, Pay Later Tracker” của PYMNTS, một đơn vị theo dõi thông tin và phân tích dữ liệu ngành tài chính có trụ sở tại Mỹ.

Trong cuộc khảo sát với người dùng thuộc nhiều thế hệ của đơn vị này, gần 60% người tham gia cho biết họ thích hình thức mua sắm ngay bây giờ và trả tiền sau qua thẻ tín dụng nhờ sự đơn giản trong thanh toán, quá trình phê duyệt đơn giản và quan trọng hơn là không tính các khoản phí lãi suất.

Theo Statista, số người dùng mua trước trả sau của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm từ 2,7 triệu (2021) lên 8,7 triệu (2022). Tuy nhiên tỷ lệ thâm nhập của mua trước trả sau ở Việt Nam là 1%, xếp cuối khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng các thị trường như Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).

Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam có sự tham gia của các công ty tài chính như Home Credit, FE Credit… hay các công ty khởi nghiệp như Kredivo có trụ sở tại Singapore và Fundiin một startup của Việt Nam. Mới đây Be Group - nền tảng siêu ứng dụng thuần Việt cũng chính thức gia nhập thị trường với tính năng bePayLater được cung cấp bởi ngân hàng số Cake by VPBank.

Những năm qua, các tên tuổi tên thị trường đã hoạt động tích cực để phổ biến hình thức mua sắm trả chậm này đến với người tiêu dùng. Chẳng hạn, bePayLater liên kết với 15 dịch vụ, miễn lãi hoàn toàn lên tới 45 ngày khi đặt xe ô tô, đặt xe máy, giao hàng, đặt đồ ăn hoặc mua vé xe khách, vé máy bay, tàu hỏa,…

Trong khi Fundiin hợp tác với Medpro, triển khai giải pháp mua trước trả sau tại hơn 200 bệnh viện và cơ sở y tế. Home Credit bắt tay Traveloka sẽ giúp mở rộng dịch vụ mua trước trả sau trong đặt phòng khách sạn, kiếm vé máy bay,…

Nhìn chung, thị trường này ở Việt Nam còn đang trong giai đoạn sơ khai, thị phần chưa được định hình. Do đó, các doanh nghiệp tham gia đang cố gắng tiếp cận, tạo thói quen sử dụng mua trước trả sau cho người dùng Việt.

Trả lời chúng tôi cuối tháng 12 năm ngoái, ông Nguyễn Ảnh Cường - CEO kiêm Founder Fundiin cho rằng việc có nhiều đơn vị nhảy vào ngành là một tín hiệu tốt, cho thấy sức hấp dẫn của mua trước trả sau, đồng thời có thêm trợ lực để thay đổi thói quen thanh toán của người dùng. 

"Thị trường mua trước trả sau hiện còn khá nhỏ dù quy mô tiềm năng là rất lớn. Do đó, càng nhiều đơn vị đầu tư vào thị trường này càng giúp lĩnh vực mua trước trả sau mở rộng nhanh hơn và có lợi cho toàn bộ ngành", ông Cường chia sẻ.

Từ ngày 27/9, khách hàng tại Việt Nam có thể trải nghiệm dịch vụ mua trước trả sau của Lotte C&F khi mua sắm trực tuyến trên ứng dụng Lotte Mart, với các giao dịch từ mua sắm thực phẩm cho các bữa ăn hàng ngày, đến các thiết bị điện tử hay các mặt hàng gia dụng.

Đức Huy

Làn sóng rao bán tài sản, cơ cấu hoạt động kinh doanh
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cầm cự bằng cách cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại các khoản đầu tư thậm chí giải thể các đơn vị kinh doanh không hiệu quả.