Lợi nhuận sụt giảm hơn 50%, nhưng tại sao cổ phiếu Samsung vẫn tăng?
Cổ phiếu Samsung Electronics, công ty sản xuất thiết bị điện tử đa quốc gia của Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng bất chấp thông báo lợi nhuận sụt giảm quí thứ 3 liên tiếp (nguồn: Bloomberg)
Khoảng đầu tháng 10/2019, trong khi thông báo lợi nhuận giảm tới hơn 50%, giá cổ phiếu của Samsung vẫn bật tăng mạnh 2,41%, vượt cả chỉ số chứng khoán trước đó là 1,21%. Vậy đâu là lý do khiến cho các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin mạnh mẽ vào Samsung?
Samsung cho biết lợi nhuận hoạt động Q3/2019 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, lợi nhuận của gã khổng lồ Hàn Quốc đạt 7,7 nghìn tỉ won (6,43 tỉ USD), giảm 56,17%. Tuy nhiên, đây cũng là điều đã được các nhà phân tích dự báo từ trước, khi thị trường chip nhớ vẫn đang sụt giảm và cho rằng đây sẽ là đợt sụt giảm cuối cùng.
Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của Samsung giảm mạnh là bộ phận sản xuất chip nhớ. Cũng giống như các nhà sản xuất chip khác, Samsung đã phải vật lộn khi mà nhu cầu của thị trường đối với chip nhớ sụt giảm, trong khi nguồn cung lại tăng cao khiến cho giá thành cũng giảm xuống.
Các thành phần bộ nhớ được sử dụng trong thiết bị di động và trung tâm dữ liệu chính là hoạt động kinh doanh đem lại phần lớn lợi nhuận cho Samsung. Vì vậy khi mảng kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận của Samsung cũng sụt giảm đáng kể.
Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, thị trường chip nhớ đang có những dấu hiệu hồi phục. Khi các nhà sản xuất và trung tâm dữ liệu bắt đầu sử dụng hết số chip nhớ trong kho, và việc giá thành giảm xuống đã bắt đầu kích thích nguồn cầu. Đây có thể sẽ là đợt sụt giảm cuối cùng của Samsung. Nên đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư, họ thu gom cổ phiếu của Samsung để chuẩn bị cho một đợt bật tăng mới.
Huawei là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Samsung, ở cả phân khúc smartphone cao cấp, tầm trung và giá rẻ. Huawei thậm chí còn vượt mặt cả Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới. Nhưng những rắc rối trong thời gian vừa qua đã khiến Huawei sa sút.
Bị đưa vào danh sách đen và cấm hợp tác với các công ty công nghệ tại Mỹ, Huawei gần như không thể bán được smartphone mới tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Trong đó có những thị trường rất quan trọng như Châu Âu hay Ấn Độ, Huawei là đối thủ cạnh tranh chính của Samsung trong thị phần smartphone Android.
Việc Huawei không thể sử dụng dịch vụ Google trên những chiếc smartphone mới của mình, đã giúp Samsung tiếp tục bỏ xa đối thủ lại phía sau. Trong khi đó, doanh số smartphone Samsung tại Châu Âu đã tăng mạnh trong Q3/2019, với mức 21%.
Có thể nói rằng việc loại bỏ được một đối thủ nguy hiểm như Huawei, là một thành công lớn đối với Samsung, trong khi hãng không cần tốn một chút công sức nào, cũng đủ để khiến các nhà đầu tư có thể ăn mừng.