|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Lợi nhuận lao dốc, doanh nghiệp BĐS vay nhiều hơn, chắc chắn xuất hiện nợ xấu’

07:46 | 08/05/2019
Chia sẻ
Tính đến cuối quý I/2019, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản là 1,54, cao nhất kể từ cuối quý II/2018. Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý là lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bất động sản giảm khoảng 3,2% so với cùng kì năm trước; EBITDA giảm mạnh 28,3%.

Chiều ngày 7/5, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities, mã: CTS) tổ chức Hội thảo Thị trường chứng khoán Việt Nam 2019 – Góc nhìn vĩ mô và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp. Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup đã bình bày về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết năm 2018 và quý I/2019.

Bức tranh ảm đạm của doanh nghiệp niêm yết trong quý I

Theo dữ liệu tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2019 của 878 doanh nghiệp không tính ngân hàng và bảo hiểm, chiếm 76% vốn hóa của cả thị trường, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp giảm 1,2% so với cùng kì, bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giảm 7,3%.

Tuy nhiên, doanh thu của các công ty này vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ 5,1% so với cùng kì năm 2018. Mức tăng trưởng này so với Việt Nam là quá thấp, tương đồng với mức lạm phát. Tức là sản lượng không tăng với giả định giá tăng vì lạm phát. Điều này cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đi xuống, ông Thuân đánh giá.

Lợi nhuận lao dốc, doanh nghiệp BĐS vay nhiều hơn, chắc chắn xuất hiện nợ xấu’  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Thuân trình bày tại hội thảo. Ảnh: Phan Quân

Lợi nhuận nhóm bất động sản lao dốc trong quý I

Phân tích theo từng ngành, kết quả kinh doanh quý I của 81 doanh nghiệp ngành bất động sản đều suy giảm. Cụ thể, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bất động sản giảm khoảng 3,2% so với cùng kì năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) giảm mạnh 28,3%; EBIT giảm 42,5%.

Nếu loại trừ Vinhomes, lãi ròng của 80 doanh nghiệp BĐS lại tăng trưởng 24,5% nhờ sự cải thiện lợi nhuận của Sài Đồng, Hà Đô, Địa ốc Nova, Nam Long… Đây là một tín hiệu tốt.

Ba nguyên nhân chính của việc suy giảm lợi nhuận bất động sản là chính sách siết tín dụng, giá đất và chu kì của ngành. Tuy nhiên, kết quả phụ thuộc vào từng phân khúc và đơn vị bất động sản. Nhưng số liệu nói lên tất cả, ông Thuân nhận định.

Lợi nhuận lao dốc, doanh nghiệp BĐS vay nhiều hơn, chắc chắn xuất hiện nợ xấu’  - Ảnh 2.

Nguồn: FiinPro

Đi ngược với kết quả kinh doanh, đòn bẩy tài chính tăng lên khi doanh nghiệp bất động sản vay nhiều hơn thông qua trái phiếu. Cụ thể, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/3/2019 là 1,54 trong khi tại 31/12/2018 là 1,47. Mức đòn bẩy này cao nhất kể từ cuối quý II/2018.

"Nếu đà này tiếp tục, chắc chắn sẽ xuất hiện nợ xấu trong ngành bất động sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chứng khoán, các ngân hàng và tổ chức sẽ phải rất thận trọng", ông Thuân cho biết thêm.

Nhóm ngân hàng khởi sắc

Về lĩnh vực ngân hàng, lợi nhuận ròng quý I của 17 ngân hàng tăng 12% so với cùng kì năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 16%, dịch vụ (tăng 47%), FX/Vàng (tăng 42%), Đầu tư chứng khoán giảm 68% và chứng khoán kinh doanh giảm 61%.

Lợi nhuận lao dốc, doanh nghiệp BĐS vay nhiều hơn, chắc chắn xuất hiện nợ xấu’  - Ảnh 3.

Tăng trưởng lợi nhuận nhóm các ngân hàng niêm yết. Nguồn: FiinGroup

"Câu chuyện về ngân hàng bán lẻ trong 3 năm nay vẫn vậy, với tốc độ suy giảm. Tín dụng bán lẻ gần gấp đôi với tăng trưởng chung cả ngành, trong khi tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp dưới 10%. Tôi lưu ý nếu điều chỉnh hoặc do động tác khác của ngân hàng thì tín dụng doanh nghiệp không tăng trưởng. Tôi không hiểu do khối doanh nghiệp tại sao không cho vay được như vậy", ông Thuân chia sẻ.

Theo đánh giá của Chủ tịch FiinGroup, những doanh nghiệp nào đẩy mạnh cho vay cá nhân vẫn có được mức lợi nhuận tăng trưởng tốt. Đặc biệt là những ngân hàng niêm yết như VPBank, Techcombank, TPBank, ACB…

Lý giải về việc lỗ trong đầu tư chứng khoán của các ngân hàng, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, ngoại trừ Techcombank. Năm 2018 các ngân hàng tăng trưởng dịch vụ, thu phí tốt. Đầu năm 2018, lợi tức trái phiếu Chính phủ khoảng 3% nhưng cuối năm 2018 đạt khoảng 4%, tức là khoảng 100 điểm cơ bản. Hiện các ngân hàng đang nắm giữ khoảng 50 tỉ USD trái phiếu.

Phần lớn chứng khoán của ngân hàng là trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu doanh nghiệp cũng bắt đầu chiếm tỉ trọng lớn trong bảng cân đối của các ngân hàng, hiện khoảng 14%. Trái phiếu doanh nghiệp lớn lên là tốt, thay tăng trưởng tín dụng tạo kênh dài hạn cho doanh nghiệp nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu chất lượng trái phiếu không được chuẩn hoặc việc phân phối đến nhà đầu tư không được minh bạch.

Phân tích về tín dụng bất động sản sẽ ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp có tiền để làm dự án hay không hay ngân hàng có kiếm lời từ hoạt động này. Trong 2 năm về trước 2017 – 2018, cho vay đối với nhà phát triển bất động sản tăng gần như gấp đôi năm năm 2018 lên 31 tỉ USD, chiếm 11% tổng dư nợ vay toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước lo ngại hơn là việc cho vay người mua nhà. Trong nhiều trường hợp, người cho vay và đơn vị phát triển dùng cùng tài sản thế chấp là rủi ro rất lớn, ông Thuân đánh giá.

Phan Quân