|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lối đi nào cho nền kinh tế Mỹ?

17:13 | 29/12/2018
Chia sẻ
Đường lối chính sách của Fed rất quan trọng cho việc mở rộng chu kỳ kinh doanh hiện tại; trong số 12 chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ kể từ năm 1955, 8 lần Fed tăng lãi suất đều dẫn đến suy thoái kinh tế. 

Bắt đầu từ năm 2018 đã có dấu hiệu cảnh báo rằng nền kinh tế đang ở mức đỉnh và sẽ không còn sự tăng tốc trong tăng trưởng toàn cầu để thúc đẩy thị trường lên mức cao mới nữa. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã thể hiện tốt hơn so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới nhờ có niềm tin của người tiêu dùng và kinh doanh tăng cao. Vào đầu quý cuối năm 2018, cả hai vẫn ở gần mức cao trong nhiều thập kỷ.

Góp một phần cho tâm lý tích cực là gói kích thích tài khóa được ban hành vào năm 2017. Tuy nhiên, nợ của nước Mỹ trong 10 năm tới phải tăng khoảng 1.500 tỉ USD chỉ để giúp GDP tăng 0,5% trong năm nay - và hiệu quả từ gói kích thích tài khóa này dự kiến ​​sẽ giảm nhanh trong vài năm tới.

Một cánh tay của chính phủ Mỹ là Bộ Tài chính đang chi tiêu thuế từ các thế hệ tương lai để tăng cường kích thích cho nền kinh tế hiện tại. Trong khi đó, một cánh tay khác của chính phủ Mỹ là Cục dự trữ liên bang lại đang tăng lãi suất để ngăn nền kinh tế trở nên quá nóng. Chính sách của hai bên chống lại nhau, để lại tác động tích cực khá nhỏ đối với triển vọng tăng trưởng của Mỹ.

Điều kiện kinh tế Mỹ hiện tại cho thấy khả năng lãi suất tiếp tục tăng vào năm 2019. Chu kỳ kinh tế dài đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1960 và số người chính thức được tính là thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp hơn số lượng vị trí việc làm được mở ra. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lao động, hạn chế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Mặc dù nhu cầu lao động dư thừa, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tiền lương đáng kể. Các công ty tiếp tục bảo vệ tỷ suất lợi nhuận ngay cả với việc đánh đổi tăng trưởng kinh doanh.

Tin tốt là loại hành vi đặc biệt này của doanh nghiệp cũng hỗ trợ cho kỳ vọng lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Một số chuyên gia hy vọng rằng, trong năm tới, Fed sẽ xem xét lại quyết định của mình dựa trên một nền kinh tế đang dần mất đà, một phần do các hành động của chính họ và một phần do các hạn chế cung ứng lao động cuối chu kỳ điển hình.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính khoảng cách sản lượng của Mỹ (sự khác biệt giữa tốc độ tăng trưởng tiềm năng ổn định của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP thực tế) không chỉ thu hẹp lại sau khi được mở ra trong cuộc suy thoái kinh tế hồi 2008, và cách không xa các đỉnh chúng ta đã thấy trong hai chu kỳ trước.

loi di nao cho nen kinh te my

Nguồn: Văn phòng ngân sách của Quốc hội Mỹ; Thomson Reuters Datastream; Bloomberg

Pine Bridge Investment tổng hợp tính đến ngày 11 tháng 10 năm 2018

Đó chính là động lực thúc đẩy Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ. Tuy nhiên, miễn là tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức vừa phải và xu hướng lạm phát gần với mục tiêu 2%, không có lý do gì để đẩy lãi suất vượt quá mức trung lập.

Vấn đề ở đây là gì? Cái gọi là mức lãi suất trung lập - trong đó chính sách tiền tệ không kích thích cũng không kìm hãm sự tăng trưởng - chỉ là một khái niệm lý thuyết. Các ước tính của riêng Fed cho thấy Mỹ có khả năng đạt được điều đó vào tháng 3/2019, khi lãi suất chính sách dự kiến ​​sẽ đạt 2,75%. Bất kỳ sự gia tăng lãi suất nào vượt quá mức đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.

PineBridge Investment hi vọng Fed sẽ tạm dừng hoặc thậm chí dừng hẳn chu kỳ tăng lãi suất hiện tại vào mùa hè năm 2019. Điều đó trái ngược với kỳ vọng của Fed, báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất sẽ tiếp tục vào năm 2020. Nếu Fed dừng chu kỳ tăng lãi suất ở mức trung lập, nền kinh tế Mỹ được hy vọng sẽ ổn định vào năm 2020 với mức tăng trưởng GDP gần 2%, do đó kéo dài thêm chu kỳ kinh tế Mỹ.

Xem thêm

Minh Trí Việt