|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt kế hoạch phát triển giao thông, đô thị ở Hà Nội năm 2022

04:00 | 04/01/2022
Chia sẻ
Đầu tư đường vành đai 4; vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; cải tạo chung cư cũ,... là những kế hoạch mà Hà Nội sẽ thực hiện hoặc trình cấp có thẩm quyền trong năm nay.

Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đang trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể. Việc điều chỉnh nhằm triển khai đồng thời, bảo đảm lồng ghép thống nhất các nội dung với quy hoạch TP Hà Nội đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh sau này.

Để thực hiện kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức rà soát, đánh giá các quy hoạch liên quan, các dự án đầu tư; đánh giá dân số hiện trạng, dân số theo quy hoạch và khả năng phát triển, các tác động, hiệu quả của việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ rà soát các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố; đánh giá các vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện; phân tích những yếu tố mới trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới.

Theo Nghị quyết 27 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, mục tiêu của Hà Nội trong năm nay là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tăng cường quản lý và phát triển đô thị, mạng lưới giao thông, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Duyệt chủ trương đầu tư đường vành đai 4

Hà Nội cho biết trong năm 2022, thành phố sẽ phối hợp trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đường vành đai 4. Tuyến đường có chiều dài 111,2 km, nền đường rộng 120 m, tổng vốn đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án này thuộc danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ dự án theo Nghị quyết 21 của HĐND TP Hà Nội ngày 23/9/2021. Trong đó, kinh phí phần xây lắp dự kiến giao Hà Nội là 20.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ II, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô (dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư).

Loạt kế hoạch phát triển giao thông, đô thị ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh 1.

Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Đồ họa: Alex Chu).

Mới đây, trong tờ trình gửi Chính phủ lần 2 về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 4, thành phố cũng đưa ra phương án tài chính và huy động vốn PPP cho phần đường cao tốc, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia.

Nêu về phương án đầu tư trong tờ trình, trường hợp đầu tư ngay theo quy mô hoàn chỉnh toàn bộ 6 làn xe cao tốc theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư dự án tổng thể khoảng 144.357 tỷ đồng, để đảm bảo hiệu quả tài chính cần mức vốn nhà nước tham gia khoảng 113.429 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá phương án nêu trên là một áp lực đối với nguồn vốn nhà nước tại thời điểm hiện tại.

Do vậy, lãnh đạo thành phố đã đưa ra giải pháp như sau: Căn cứ nhu cầu vận tải đến năm 2045 với lưu lượng khoảng 38.000 - 63.000 lượt/ngày đêm, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thành phố kiến nghị phân chia và phân kỳ đầu tư dự án theo nội dung công việc và thời gian trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo phương án này, dự án sẽ được chia làm ba dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần số 1 là giải phóng mặt bằng do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Dự án thành phần số 2 sẽ xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành, do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự án thành phần số 3 sẽ đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến theo hình thức PPP do UBND TP Hà Nội làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tổng mức đầu tư cho việc phân chia, phân kỳ để thực hiện dự án vành đai 4 là khoảng 95.000 tỷ đồng, giảm 49.000 tỷ đồng so với phương án đầu tư đầu tư ngay tuyến đường vành đai 4 hoàn chỉnh.

Vận hành đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 4/2009, phê duyệt điều chỉnh vào tháng 6/2013.

Tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, đường sắt khổ 1.435 mm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm.

Điểm đầu tại Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).

Tổng mức đầu tư dự án là 783 triệu euro, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu euro, nguồn vốn từ vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ và vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội.

Loạt kế hoạch phát triển giao thông, đô thị ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh 2.

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị số 3 TP Hà Nội. (Đồ họa: Alex Chu).

Tại buổi làm việc kiểm tra công trường dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào cuối tháng 11/2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các đơn vị bám sát tiến độ.

Theo đó là đến năm 2022 hoàn thành đưa vào vận hành phần đi nổi 8,5 km; đến năm 2025 hoàn thành phần đi ngầm 4 km và đưa vào vận hành toàn tuyến. Riêng đối với đoạn đi nổi, để bảo đảm vận hành trong năm 2022, tiến độ thi công phải phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/10/2022.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tính đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%, trong đó, tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5% và tiến độ đoạn đi ngầm đạt 33%.

Tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn trên cao đã hoàn thành. Tuy nhiên, đối với đoạn đi ngầm, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc tại ga S9 và ga S11.

Duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm thành phố, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn.

Loạt kế hoạch phát triển giao thông, đô thị ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh 3.

Tổng quan Phân khu đô thị sông Hồng. (Đồ họa: Justin Bùi).

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện; quy mô dân số 280.000 - 320.000 người.

Đầu năm 2017, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Tháng 3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố.

Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu hoàn thành đồ án theo góp ý của các bộ, ngành, các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến góp ý của HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy, của các chuyên gia và của UBND các quận, huyện liên quan.

Cải tạo chung cư cũ

Theo thống kê đến năm 2020, Hà Nội có số lượng chung cư, nhà tập thể cũ cao nhất cả nước với khoảng 1.579 nhà, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và khu vực nội đô lịch sử.

Sau hàng chục năm loay hoay giải bài toán cải tạo chung cư cũ do khó khăn về pháp lý, sự hài hòa lợi ích các bên, quy định hạn chế chiều cao..., vào cuối tháng 12/2021, Hà Nội đã ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ" với kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển lớn trong vấn đề này.

Dự kiến, việc triển khai cải tạo chung cư cũ chia thành 4 đợt. Đợt 1 dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022, trong đó sẽ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D trên đại bàn quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và khu nhà Bộ Tư pháp) và 6 khu chung cư có tỉnh khả thi gồm Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam và Nghĩa Tân.

Loạt kế hoạch phát triển giao thông, đô thị ở Hà Nội năm 2022 - Ảnh 4.

Một khu nhà tập thể cũ tại phường Trung Tự, quận Đống Đa. (Ảnh: Huy Hoàng).

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ rà soát 14 dự án đang triển khai để đôn đốc, hoàn chỉnh công tác lập quy hoạch đối với các dự án đủ điều kiện, xem xét gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

UBND TP Hà Nội cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng để tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ, ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D và C cận D).

Năm 2022, một trong những kế hoạch đáng chú ý khác là TP Hà Nội sẽ đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Aeon Mall Bắc Từ Liêm; phấn đấu trong quý II sẽ hoàn thành trung tâm thương mại Park City Yên Nghĩa, Hà Đông.

Ngoài ra, Hà Nội đặt mục tiêu đến quý II/2022 sẽ hoàn thành các đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phân khu đô thị (cấp độ 2) Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Xuân Mai; hoàn thành phê duyệt Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội đô Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Về phát triển nhà ở, thành phố sẽ tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử. Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đã được phê duyệt, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư để dự án chậm tiến độ.

Hà Nội cũng sẽ tổng kết đánh giá về cơ chế thí điểm đặt hàng mua nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, trên cơ sở đó có cơ chế khả thi, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhà ở tái định cư trong thời gian tới.

Thành phố phấn đấu xử lý 7-10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông; giảm số vụ tai nạn giao thông từ 5-10%. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải và logistics; đẩy nhanh tiến độ dự án Điểm thông quan nội địa thành phố Hà Nội tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.

Trong năm nay, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT đã đầu tư, có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả hơn làm cơ sở để đề xuất giải pháp đối với các tuyến BRT chưa đầu tư theo quy hoạch. Một định hướng nữa là phát triển hệ thống giao thông thông minh, thẻ vé thông minh liên thông cho vận tải hành khách công cộng.

Hồng Quân