|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 80% đến từ ‘họ FPT’

19:10 | 04/06/2022
Chia sẻ
Trong tuần từ 7/6 đến 13/6, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm, trong đó có những tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, FPT, …

Thế Giới Di Động (MWG) sắp trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu MWG sẽ được nhận 1.000 đồng. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 7/6 và 17/6.

Đến ngày 17/6, MWG sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%, tức là nhà đầu tư sở hữu một cổ phiếu MWG sẽ được nhận một cổ phiếu mới.

Hiện nay, tổng số cổ phiếu MWG đang lưu hành là hơn 732 triệu đơn vị nên công ty sẽ cần chi 732 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới 732 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty sẽ tăng gấp đôi lên thành 14.644 tỷ đồng.

Vợ chồng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đang sở hữu (trực tiếp cũng như thông qua công ty riêng) tổng cộng 96,7 triệu cổ phiếu MWG nên sẽ được nhận 96,7 tỷ đồng tiền mặt và 96,7 triệu cổ phiếu MWG mới trong đợt cổ tức tới.

Kết phiên 3/6, giá cổ phiếu MWG dừng ở 153.200 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa hơn 112.000 tỷ đồng, lớn nhất ngành bán lẻ.

Tại ngày cuối quý I/2022, MWG có tổng nguồn vốn gần 62.400 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 65%.

Trong 4 tháng đầu năm nay, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 47.908 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.819 tỷ đồng. Doanh thu online đạt 7.468 tỷ đồng, tăng 145% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng doanh thu của MWG. Như vậy, công ty đã thực hiện 34% kế hoạch doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

Đối thủ của MWG trong lĩnh vực phân phối sản phẩm điện tử là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) cũng sắp chốt quyền cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu, tỷ lệ tương ứng là 5% và 50% mệnh giá.

Nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu FRT tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 50.000 đồng tiền mặt và 50 cổ phiếu mới. Ngày GDKHQ của cả hai đợt cổ tức đều là 7/6. Ngày thanh toán tiền mặt là 22/6.

Một cửa hàng điện tử của FPT Retail tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc.

FPT Retail có xấp xỉ 79 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 39,5 tỷ đồng và phát hành mới gần 39,5 triệu cổ phiếu FRT để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.

Công ty cổ phần FPT đang sở hữu 46,53% vốn của FPT Retail nên sẽ được nhận khoảng 18,4 tỷ đồng tiền mặt và 18,4 triệu cổ phiếu mới.

Vốn hóa của FPT Retail hiện nay đạt gần 10.800 tỷ đồng, xấp xỉ 1/10 giá trị thị trường của MWG. Tuy nhiên, như biểu đồ dưới đây cho thấy, giá cổ phiếu FRT tăng mạnh hơn so với MWG trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay.

Cổ phiếu FRT tăng mạnh hơn MWG trong 5 tháng đầu năm 2022.

Cổ đông lớn nhất của FPT Retail là Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) cũng sẽ chốt quyền cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong đợt tới với tỷ lệ tương ứng là 10% và 20% mệnh giá. Ngày GDKHQ đều là 13/6. Ngày thanh toán tiền mặt là 27/6.

FPT hiện có vốn điều lệ 9.076 tỷ đồng nên sẽ cần phát hành gần 183 triệu cổ phiếu và chi khoảng 907 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình đang nắm giữ gần 64 triệu cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ 7,05%, nên sẽ được nhận khoảng 64 tỷ đồng và 12,8 triệu cổ phiếu trong đợt cổ tức tới.

Quý I vừa qua, FPT ghi nhận lãi sau thuế 1.539 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2021. Khối công nghệ và khối viễn thông cùng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Biểu đồ bên dưới cho thấy kết quả quý đầu năm 2022 tuy khá cao nhưng vẫn chưa phải kỷ lục trong lịch sử hoạt động của FPT.

 FPT ghi nhận biên lợi nhuận thuần 15,8% trong quý đầu năm 2022.

Một doanh nghiệp khác trong “họ FPT” cũng chốt quyền cổ tức trong tuần tới là CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online – Mã: FOC). Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 10/6 và 30/6. Cổ đông nắm giữ một cổ phiếu FOC sẽ được nhận 8.000 đồng, tương đương 80% mệnh giá.

Số cổ phiếu FOC đang lưu hành là 18,4 triệu đơn vị nên công ty sẽ cần chi khoảng 147 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

FPT Online là doanh nghiệp vận hành báo điện tử VnExpress. Trong quý I vừa qua, công ty ghi nhận lãi sau thuế 54,4 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ 2021. Thống kê dưới đây cho thấy biên lãi thuần của FPT Online thường duy trì trong khoảng 30 – 40%.

 

Nhiều doanh nghiệp khác cũng sắp chốt quyền cổ tức trong tuần tới như Công ty cổ phần May Sông Hồng (Mã: MSH) sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%, CTCP Thiết bị Điện Gelex (Mã: GEE) trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 6%, Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) trả cổ tức tiền mặt 35%, hai doanh nghiệp ngành dược là Traphaco (Mã: TRA) và Dược Bình Định (Mã: DBD) trả cổ tức lần lượt 10% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu, …

 

Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.