|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục

19:45 | 24/11/2024
Chia sẻ
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.

Bật tăng từ ngưỡng hỗ trợ, VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 18 – 22/11 tại 1.228,1 điểm, hồi phục 9,53 điểm tương đương 0,78% so với cuối tuần trước.

Thanh khoản ảm đạm với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt 12.127 tỷ đồng, giảm 17,2% so với tuần trước đó. Tính trên 3 sàn, tổng giá trị giao dịch bình quân ghi nhận 18.642 tỷ đồng, trong đó thanh khoản khớp lệnh bình quân ở mức 16.323 tỷ đồng, giảm 17% so với tuần vừa qua và thấp hơn 6,8% so với trung bình 5 tuần gần nhất.

Trái ngược với diễn biến của tuần trước, các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng giúp thị trường đảo chiều kết thúc 2 tuần giảm điểm liên tiếp. Trong đó, CTG là trụ cột chính nâng đỡ thị trường với mức đóng góp 2,5 điểm. Loạt cổ phiếu bank như TCB, BID, VPB, MBB, ACB, TPB cũng đóng góp tích cực vào sắc xanh của VN-Index tuần qua. Ở phía đối diện, VCB với nhịp giảm 1,2% khiến VN-Index đánh rơi 1,5 điểm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Bất chấp xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE trong đó rút ròng 4.377 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. So với tuần trước đó, quy mô xả ròng tăng 29%. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng trên HOSE. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.

Thống kê cho thấy khối ngoại duy trì bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô 1.509 tỷ đồng. Liên quan đến thương vụ mua 370 triệu cổ phiếu VHM, Vinhomes vừa hoàn đất đợt đăng ký mua lại cổ phiếu với quy mô lớn nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), trong khoảng thời gian từ ngày 23/10 đến 21/11, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) mua lại tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu. Ước tính theo thị giá cổ phiếu trong khoảng thời gian trên, tổng số tiền mà nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đã chi ra là hơn 11.000 tỷ đồng. Xét trên quy mô, đây là lượng tiền kỷ lục mà một doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ ra để mua lại cổ phiếu của chính mình.

Trở lại với giao dịch tuần qua của khối ngoại, đứng thứ hai trong Top rút ròng là SSI với 719 tỷ đồng. Danh mục rút ròng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như HPG (542 tỷ đồng), FPT (516 tỷ đồng), HDB (438 tỷ đồng), MWG (286 tỷ đồng), MSN (218 tỷ đồng), MSB (212 tỷ đồng), VCB (212 tỷ đồng) và KBC (149 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) dẫn đầu danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 267 tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Một cổ phiếu ngân hàng khác là TCB cũng được mua ròng với giá trị 166 tỷ đồng. Mặt khác, khối ngoại cũng gom ròng các mã HDG (246 tỷ đồng), DIG (57 tỷ đồng), DPM (56 tỷ đồng), HAH (50 tỷ đồng), GAS (48 tỷ đồng), NVL (48 tỷ đồng), KDH (30 tỷ đồng) và SIP (30 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên với giá trị hơn 162 tỷ đồng, tương ứng khối lượng gần 8,2 triệu đơn vị.

Trong đó, họ tập trung bán ròng 86,7 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 72,9 tỷ đồng mã SHS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như IDC (8,2 tỷ đồng), HUT (5,9 tỷ đồng), NTP (4,2 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, NĐT ngoại rót ròng 18,2 tỷ đồng gom cổ phiếu DHT của CTCP Dược phẩm Hà Tây. Cùng chiều, VFS cũng được mua ròng với quy mô gần 7,1 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của IVS, VGS, TIG với giá trị dưới 2 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng 3/5 phiên với quy mô gần 204 tỷ đồng, với khối lượng gần 2,3 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom ròng mạnh nhất 208,7 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan, bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Tuần trước đó mã này cũng dẫn đầu danh sách gom ròng của khối ngoại với gần 240 tỷ đồng.

Động thái giải ngân gần đây của NĐT ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MCH liên tiếp thiết lập các đỉnh lịch sử mới. Kết phiên 22/11, cổ phiếu MCH dừng tại mốc 218.400 đồng/cp, giảm nhẹ 1% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm thị giá cổ phiếu này đã có nhịp tăng 250%. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu OIL (3,1 tỷ đồng), VGT (2,7 tỷ đồng), HNG (2,1 tỷ đồng) và KLB (1,9 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP dẫn đầu Top bán ròng với quy mô hơn 6,1 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 5,2 tỷ đồng mã QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như NTC (3,9 tỷ đồng), GDA (1,4 tỷ đồng), CST (1,3 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo

Tiêu dùng là động lực quyết định tăng trưởng của nền kinh tế 2025
Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.