|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt công ty con lỗ nặng, Vicem tập trung tái cơ cấu và thoái vốn

06:05 | 11/06/2019
Chia sẻ
Theo báo cáo từ Vicem, nhiều công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp đều trong tình trạng mất an toàn tài chính, thuộc diện phải giám sát tài chính đặc biệt. Tuy nhiên Vicem cho rằng các công ty này đều đang tái cơ cấu và đề nghị không đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Theo báo cáo của Công ty mẹ - Vicem năm 2018 vừa gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, Hội đồng thành viên Vicem đã có văn bản chỉ đạo Công ty mẹ - Vicem, các công ty con thuộc Vicem, người đại diện vốn của Vicem tại các công ty lập và kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2018; lập và nộp các báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính, gửi báo cáo về Vicem trước 31/3/2019.

Loạt công ty con lỗ nặng, Vicem tập trung tái cơ cấu và thoái vốn - Ảnh 1.

Tòa tháp Vicem trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) đang được chuẩn bị rao bán. (Ảnh: Thu Hà)

Theo đó, đối với các công ty con là công ty TNHH MTV do Vicem nắm giữ 100% vốn điều lệ, cụ thể là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng vẫn đảm bảo an toàn về tài chính. Vicem Hoàng Thạch có chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng so với cùng kỳ. Chỉ tiêu khả năng thanh toán nợ đến hạn của Vicem Hoàng Thạch lớn hơn 1, còn của Vicem Hải Phòng đã được cải thiện là 0,53 (năm 2017 là 0,51).

Còn Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp những năm gần đây tuy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, song tài chính rất khó khăn, vẫn thuộc diện mất an toàn về tài chính. Nguyên nhân là do hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2018 là 17,71, lớn hơn 3; lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là -1.103 tỉ đồng, lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; khả năng thanh toán nợ đến hạn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 0,25.

Theo quy định, Vicem Tam Điệp lẽ ra phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt. Tuy nhiên, công ty đang thực hiện cổ phần hóa cùng với Công ty mẹ - Vicem và dự kiến hoàn thành trong năm 2019 nên sẽ được tái cơ cấu toàn diện, trọng tâm là tái cơ cấu về tài chính. Vì vậy, Vicem đề nghị không đưa công ty Vicem Tam Điệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Đối với công ty con là CTCP do Vicem nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong năm 2018, các đơn vị đều đạt mục tiêu đề ra và có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, trừ Vicem Vật tư vận tải xi măng, Vicem Vận tải Hoàng Thạch, Vicem Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng và Vicem Thạch cao xi măng là lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Riêng có 2 đơn vị là CTCP Xi măng Hạ Long, CTCP Xi măng Sông Thao vẫn trong tình trạng mất an toàn tài chính, thuộc diện phải giám sát tài chính đặc biệt. Nguyên nhân do hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3; hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn nhỏ hơn 0,5 và số lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Cụ thể, tại CTCP Xi măng Vicem Hạ Long, Vicem tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn của Tổng Công ty Sông Đà từ tháng 3/2016. Sau đó, Vicem đã tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long đã khởi sắc, năm 2016 đã có lãi 148 tỉ đồng. Nhưng sang năm 2017, công ty lại bị lỗ đến 199,5 tỉ đồng; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn tại ngày 31/12/2018 là 0,13 (nhỏ hơn 0,5); lỗ lũy kế đến hết năm 2018 là 3.580,5 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2018 âm 1.638,2 tỉ đồng.

Còn tại CTCP Xi măng Vicem Sông Thao, Vicem mới tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh và phát triển nhà đô thị (HUD) từ tháng 6/2017. Sau đó, năm 2018, doanh nghiệp đã kinh doanh có lãi 19,7 tỉ đồng. Dù vậy, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn tại ngày 31/12/2018 của công ty chỉ là 0,17 (nhỏ hơn 0,5); hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,23 (lớn hơn 3), lỗi lũy kế đến ngày 31/12/2018 là âm 410,2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này đã và đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, trọng tâm cũng là tái cơ cấu tài chính nên Vicem đề nghị không đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Một số công ty khác có hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn ở mức thấp là CTCP Xi măng Bỉm Sơn 0,45; Vicem Bút Sơn 0,34. Nguyên nhân chủ yếu do cơ cấu vốn đầu tư phát triển trước đây phần nhiều là vốn vay, lợi nhuận đạt được không như kỳ vọng, áp lực trả nợ vay đầu tư lớn… nên đã sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để bổ sung tài trợ, trả nợ dài hạn…

Đối với CTCP mà Vicem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, các công ty Xi măng Chinfon, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Siam City (trước đây là Xi măng Hoicim), Xi măng Tây Đô, Bao bì Hoàng Thạch, Bao bì Hải Phòng, Bao bì Bỉm Sơn, Bao bì Bút Sơn, Bao bì Hà Tiên, hoạt động sản xuất kinh doanh đều có lãi dù lợi nhuận giảm hơn so với năm 2017 (riêng Xi măng Tây Đô lợi nhuận tăng so với năm 2017); tình hình tài chính tương đối tốt, khả năng thanh toán nợ đến hạn đều ở mức khá; vốn đầu tư được bảo toàn và phát triển…

Trong khi các CTCP như Sông Đà 12, Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai lại hoạt động không hiệu quả, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 vẫn bị lỗ, mất an toàn về tài chính. Vicem sẽ thoái vốn ở các đơn vị này khi được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Riêng với Công ty cao su Đồng Phú – Kratie Công ty cao su Đồng Nai – Kratie, Bộ Xây dựng và Vicem vẫn đang phối hợp với Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) triển khai phương án chuyển giao phần vốn Nhà nước của Vicem tại hai công ty này về SCIC khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

N. Lê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.