|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lộ trình xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành Công Thương

19:00 | 25/11/2017
Chia sẻ
Theo lộ trình, đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.
 
lo trinh xu ly ton tai yeu kem o cac du an thua lo ngan ty cua nganh cong thuong
Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (nguồn : Internet)

Bộ Công Thương vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo đảm triển khai thực hiện phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương theo đúng nội dung "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017.

Đồng thời, khẩn trương đưa vào hoạt động các dự án, doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh để khai thác có hiệu quả ở mức cao nhất; xử lý trong thời gian sớm nhất các dự án, doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh để thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nên kinh tế nói chung.

Theo lộ trình, đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam) tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo của Tập đoàn/Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc để xử lý các dự án, doanh nghiệp; phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị có liên quan để bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp xử lý từng dự án, doanh nghiệp; xây dựng hoặc rà soát hoàn thiện phương án đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất kinh doanh đối với các dự án/doanh nghiệp có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh để giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện...

Cụ thể, đối với dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam): Triển khai chuẩn bị các công việc liên quan tới bảo dưỡng, sửa chữa để sẵn sàng khởi động lại nhà Máy; làm việc với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để có thỏa thuận phối hợp trong sử dụng nguồn nguyên liệu xơ, sợ của PVTex.

Xử lý tranh chấp phát sinh với nhà thầu là Công ty Xây dựng Hyundai của Hàn Quốc (HEC) và hoàn thành công tác thanh quyết toán dự án. Thống nhất được với các cổ đông và đối tác hợp tác để có kinh phí khởi động lại nhà máy, tiến hành khởi động lại nhà máy.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức định giá tài sản Công ty để làm cơ sở triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty.

Tìm kiểm, thảo luận sơ bộ với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đối sở hữu Công ty và vận hành toàn bộ nhà máy để sản xuất sản phẩm DTY và PSF.

Thực hiện thoái vốn của PVN tại PVTex theo chỉ đạo của chính phủ trong giai đoạn 2018-2020.

Tiếp tục làm việc với các Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng về cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án. Báo cáo Ngân hàng nhà nước để được hỗ trợ.

Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi

Xây hồ cigar khắc phục hệ thống xử lý nước thải. Tiến hành khởi động, vận hành lại nhà máy.

Đồng thời, tiếp tục làm việc các Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng để cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án. Báo cáo Ngân hàng nhà nước để được hỗ trợ.

Xử lý tranh chấp, quyết toán Hợp đồng EPC, quyết toán Dự án, thoái vốn khỏi doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2020.

Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ

Xây dựng phương án thoái vốn khỏi dự án và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác hoặc tìm kiếm đối tác để chuyện nhượng, thoái vốn khỏi dự án.

Phối hợp với các cổ đông khác tiến hành giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu PVC để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu thực hiện.

Tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư hoàn thành dự án, đưa nhà máy vào sản xuất kinh doanh trong trường hợp chưa thoái vốn được khỏi dự án.

Tiếp tục làm việc với các Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng đề nghị cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ.

Trường hợp phương án hợp tác tiếp tục triển khai dự án thực hiện, không thành công sẽ dừng triển khai dự án, tiến hành các thủ tục phá sản Công ty.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước

Khởi động, vận hành lại nhà máy trong năm 2017; xây dựng phương án chuyển nhượng hoặc thoái vốn của PVOil khỏi dự án. Ngoài ra, tiếp tục làm việc các Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng đề nghị cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ.

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)

Đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Công ty, làm cơ sở để Công ty triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu.

Tìm kiếm, thảo luận với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty.

Chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng trong trường hợp sẽ lựa chọn thực hiện phương án phá sản Công ty theo luật định.

Quyết toán, chuyển giao công nợ tàu 104.000 DWT vào quý IV/2017 và quý I/2018.

Tiếp tục làm việc các Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng đề nghị cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai

Hoàn thành đàm phán với đối tác liên doanh nước ngoài trong việc sửa đổi và ký kết chính thức Hợp đồng liên doanh, Điều lệ liên doanh và quy định đề cử chức danh Tổng giám đốc.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm và hệ thống xử lý xỉ thu hồi kim loại trong giai đoạn 2017-2020.

Tổ chức khai thác mỏ sắt Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế, tăng cường công tác tiêu thụ quặng sắt trong nước và xuất khẩu, phấn đấu, tiêu thụ đạt khoảng 3 triệu tấn/năm (bao gồm phục vụ cho Nhà máy gang thép Việt- Trung) để nâng cao hiệu quả kinh tế của mỏ và giảm nhu cầu vay vốn lưu động của Công ty.

Tổ chức sản xuất Nhà máy gang thép Lào Cai đạt 100% công suất thiết kế; tiêu thụ triệt để các loại khí O2, N2.

Giảm lượng chuyên gia xuống mức thấp nhất hướng tới làm chủ hoàn thành dây chuyền cong nghệ sản xuất của Nhà máy gang thép Lào Cai.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm để phát huy hết cơ sở hạ tầng hiện nay để đầu tư xong cho cả dây chuyền cán.

Tiếp tục làm việc với Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng đề nghị cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy giang thép Thái Nguyên

Hoàn thành việc xác định giá trị dự án và xây dựng phương án tái cơ cấu TISCO trong quý IV/2017 và quý I/2018.

Chủ động đám phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC.

Thoái vốn nhà nước còn lại tại TISCO (65% cổ phần sở hữu của VNS) xuống dưới 30% trong giai đoạn 2018-2020.

Tiếp tục làm việc với Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng đề nghị cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với dự án.

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam:

Nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế, phương thức bán tài sản để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án.

Thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án, lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của dự án đến thời điểm 31/12/2016.

4 dự án nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Hoàn thành việc đàm phán và quyết toán gói hợp đồng EPC và quyết toán Dự án đối với Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai trong quý I/2018.

Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh vào từng năm, trong đó tập trung vào các nội dung về tiết giảm chi phí sản xuất, tiền lương, nhân công, sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị, tiêu hao vật tư, làm chủ công nghệ, đảm bảo chạy đủ tải, dài ngày, tiêu hao thấp, hạn chế chi phí, tăng cường công tác quản trị, đặc biệt là quản trị nhân sự, thiết bị, máy móc, vật tư, nhân sự, tài chính.

Xây dựng phương án xử lý chất thải gypsum.

Cơ cấu lại các khoản nợ khỏi dự án, cổ phần hóa trong giai đoạn 2018-2020.

Minh Anh