|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lo sợ rủi ro, nhà đầu tư ồ ạt rút tiền từ quỹ đầu tư trái phiếu

08:40 | 31/10/2022
Chia sẻ
Một loạt các sự kiện liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát khiến tâm lý nhà đầu tư dao động, đẩy thị trường trái phiếu lao dốc. Trong kịch bản không mong đợi, nhiều quỹ đầu tư trái phiếu có thể mất thanh khoản do nhà đầu tư rút tiền ồ ạt, trong khi không thể bán tài sản để cân đối dòng tiền.

Sau khi liên tục tăng trưởng trong 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang bị tác động bởi các thông tin liên quan đến Tân Hoàng Minh và công ty An Đông (nhóm Vạn Thịnh Phát) với hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu lưu hành trên thị trường. Thêm vào đó, hàng loạt cảnh báo của Bộ, ban ngành đưa ra khiến nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng và cẩn thận hơn.

Theo quan sát, thị trường sơ cấp gần như rơi vào trạng tháiđóng băng” trong quý III, dự báo xu hướng tiếp tục ảm đạm đến năm 2023. Doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu do ít người mua. Trạng thái tương tự, thị trường thứ cấp tắc nghẽn do không có lực cầu. Loạt lệnh bán được đưa ra trong khi vắng bóng người mua.

Quan sát giao dịch trên thị trường thứ cấp thấy rằng hầu hết lệnh bán được đưa ra với mức giá thấp hơn thị giá 100.000 đồng/trái phiếu. Hầu hết các trái phiếu giao dịch dưới mệnh giá 4 - 5%, cộng thêm lợi tức 10 - 12% đồng nghĩa người bán đang chấp nhận mức chiết khấu 14 - 17%.

Đơn cử ghi nhận trong phiên 28/10, lô trái phiếu của một doanh nghiệp đang được người bán chấp nhận mức chiết khấu 16 - 17%. Nếu tiếp tục hạ giá bán trên thị trường thứ cấp để giải quyết thanh khoản, không ngoại trừ khả năng mức chiết khấu sẽ vượt ngưỡng 20% những phiên tới. Tình trạng kẹt thanh khoản tiếp tục kéo dài, người bán tiếp tục phải hạ giá tìm kiếm người mua. Trạng thái này ảnh hưởng trực tiếp đến các quỹ mở trái phiếu trên thị trường, đây là nhóm đang chịu áp lực rút ròng.

Theo quy định các quỹ mở trái phiếu chỉ được đầu tư 10% vào các trái phiếu chưa niêm yết và 90% đầu tư vào trái phiếu niêm yết và các chứng chỉ tiền gửi. Ngoài ra các quỹ mở còn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do tâm lý hoang mang và không thực sự hiểu về sản phẩm cũng như danh mục chi tiết mà Quỹ đang đầu tư, khách hàng bắt đầu thực hiện các lệnh bán chứng chỉ quỹ, lượng rút ngày càng nhiều lên. Với xu hướng rút vốn ròng từ các quỹ trái phiếu, các quỹ trái phiếu trên thị trường sẽ phải thực hiện bán thanh lý các tài sản đầu tư trên danh mục của mình để đáp ứng thanh khoản cho khách hàng.

Như đề cập bên trên, trong điều kiện thị trường thứ cấp gần như “đóng băng”, khi các tổ chức đều đang bán ra tài sản với tổng giá trị lớn, lệnh bán trái phiếu rất khó thực hiện. Một số quỹ đã phải bán tài sản với mức giảm giá lớn, dẫn đến giảm giá trị NAV/CCQ.

Theo lời đại diện một quỹ tại cuộc họp thành viên VBMA, dòng tiền đang rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu. Hiện tượng “fund run” đang xuất hiện, các nhà đầu tư liên tục bán chứng chỉ quỹ. Lãnh đạo một quỹ cho biết trong 2 tuần gần đây các quỹ trái phiếu bị rút 2 - 3% tài sản ròng (NAV) mỗi ngày. Các quỹ liên tục bị rút ròng và trong tình huống xấu nhất, không loại trừ trường hợp có thể bị rút toàn bộ, mất thanh khoản.

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất ngày 28/10 của quỹ trái phiếu lớn nhất thị trường TCBF - Techcom Capital, tổng tài sản ghi nhận mức giảm 16% từ đầu tháng 10, tương đương hơn 3.100 tỷ đồng, xuống còn gần 16.513 tỷ đồng. Một số quỹ khác ghi nhận tổng tài sản giảm luỹ kế từ đầu tháng 10 từ 22 - 34% hoặc bị rút ròng 100 - 300 tỷ đồng mỗi tuần. Ước tính, tổng tài sản các quỹ đã giảm hơn 5.000 tỷ đồng trong tháng 10, tương đương mức giảm 20%.

Biến động NAV quỹ TCBF của TechcomCapital (kỳ 20 - 27/10). Nguồn: TCBF.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, hàng loạt các kiến nghị từ các quỹ trong trường hợp bị mất thanh khoản đã được đưa ra tại phiên họp VBMA. Đại diện quỹ Dragon Capital kiến nghị trong trường hợp xấu nhất Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thanh khoản hoặc mua lại danh mục trái phiếu với lãi suất nhất định.

Bên cạnh đó, một số đại diện quỹ đề xuất NHNN nới room tín dụng, bố trí nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, khơi thông dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng, hay đề xuất Chính phủ đầu tư vào TPDN củng cố niềm tin thị trường cũng được đưa ra.

Với những gì đang xảy ra, những đơn vị tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị kẹp trong hai thế khó. Tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định, những e ngại hiện hữu, trong khi kỳ vọng một dòng tiền mới từ các cơ quan Nhà nước khó khả thi do những chính sách chưa có tiền lệ.

Doanh nghiệp khó phát hành, còn các nhà đầu tư là cá nhân hay các quỹ (quỹ đầu tư, quỹ mở) đối mặt với áp lực về thanh khoản khi rất khó đến bán trái phiếu thời điểm này. Nếu tiếp tục hạ giá tài sản để thanh toán chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư sẽ dẫn tới phản ứng dây chuyền, kéo giảm NAV và giảm giá các tài sản – vốn dĩ được đánh giá tốt xuống thấp hơn. Trong kịch bản không mong muốn, việc ồ ạt rút tiền có thể đẩy các quỹ vào tình trạng mất thanh khoản, cạn dòng tiền, và nhà đầu tư vô tình đang tự chuốc lấy những khoản lỗ không đáng có.

Bích Thu