|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lo sợ minh bạch, nhà đầu tư BOT 'ngại' thu phí tự động không dừng?

06:55 | 14/01/2019
Chia sẻ
Xã hội mong chờ vào sự minh bạch của thu phí tự động không dừng nhưng đến nay, dự án thu phí tự động không dừng vẫn đang mắc kẹt. Vì đâu...?

Thu phí đường bộ tự động không dừng có thể giúp minh bạch doanh thu các trạm thu phí, rút ngắn thời gian xe dừng trả phí và sẽ không xảy ra tình trạng tài xế dùng tiền lẻ trả phí... Nhiều lợi ích, nhưng hiện tại tiến độ triển khai chậm do gặp nhiều vướng mắc, một số nhà đầu tư BOT "ngại" minh bạch, không hợp tác.

lo so minh bach nha dau tu bot ngai thu phi tu dong khong dung
Làn thu phí tự động tại một trạm thu phí BOT đường bộ trên Quốc lộ 10.

Chưa yên tâm dùng dịch vụ

Chính phủ đặt lộ trình hết năm 2018 tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí không dừng; hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đạt được một nửa mục tiêu.

Đặc biệt, sau vụ việc cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra.

Người dân và lái xe cho rằng, hiện nay đi trên mỗi tuyến đường, mỗi chủ đầu tư khác nhau có trạm có thu phí không dừng, có trạm không. Cho nên có dán thẻ hay không thì vẫn cứ phải dừng.

“Tôi cũng như nhiều lái xe khác được biết về chủ trương thu phí tự động không dừng rồi, nhưng hiện nay chưa biết thu, mua phí, trả phí như thế nào. Trách nhiệm của chúng tôi là qua trạm BOT phải mua và trả tiền. Bản thân xe của tôi cũng từng dán thẻ Etag, tưởng tiện lợi nhưng không hẳn vì đa số trạm tôi đi qua đều không chấp nhận việc trả tiền qua thẻ. Họ thích tiền mặt”, anh Dương Văn Nam chạy xe tải đường dài cho hay.

lo so minh bach nha dau tu bot ngai thu phi tu dong khong dung
Một lái xe dán thẻ E-tag thu phí tự động không dừng.

Anh Nguyễn Tuấn Bằng (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ô tô của anh đã dán thẻ thu phí tự động không dừng trong lần đăng kiểm đầu năm 2018. Tuy nhiên, anh chưa nộp tiền để sử dụng thu phí tự động không dừng, vì còn nhiều băn khoăn.

“Muốn sử dụng thẻ thu phí tự động phải chuyển tiền vào tài khoản giao thông chỉ phục vụ trả phí, như vậy vừa lằng nhằng, vừa thiệt thòi cho chủ xe. Tiền đóng vào đó không được tính lãi, có khi vài tháng không dùng tới, liệu có hay không đơn vị thu phí chiếm dụng tiền nhàn rỗi của mình?”, anh Bằng băn khoăn.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Dương cho rằng, Tổng cục ĐBVN cần nghiêm túc nhìn nhận lại các quyết định của mình dựa trên khía cạnh pháp lý chứ không đơn giản chỉ là đưa ra lời nói. Việc minh bạch trong thu phí phải nhìn nhận từ các nhà đầu tư BOT, vì chủ phương tiện làm sao có thể qua trạm tự do mà thoát cảnh không phải đóng phí.

“Đành rằng qua trạm BOT là phải trả tiền, nhưng một ngày công ty tôi phải chạy hàng chục lượt qua một trạm thu phí, bình thường làm vé tháng với trạm thì chạy vô tư, còn sau này nếu dán thẻ có bị trừ từng lượt qua trạm hay không”, anh Lê Văn Thịnh, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Hải Dương nêu ý kiến.

Chủ đầu tư BOT “ngại” minh bạch

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng trên các trạm BOT chậm trễ so với yêu cầu có hai lý do chính. Thứ nhất là do năng lực của nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thứ hai là do một số nhà đầu tư dự án BOT ngại sự minh bạch nên lần lữa thực hiện.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ) cho hay, hiện dự án triển khai thu phí tự động không dừng chậm do gặp một số vướng mắc như năng lực tài chính, nhân sự của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng yêu cầu.

lo so minh bach nha dau tu bot ngai thu phi tu dong khong dung
Trạm BOT Quốc lộ 1 tại Quảng Trạch (Quảng Bình) đã triển khai thu phí tự động không dừng.

Điều này do phương án phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đảm bảo, nên ngân hàng dừng giải ngân. Đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không có đủ kinh phí để nhập vật tư, thiết bị về lắp cho các trạm thu phí và thuê nhân lực.

“Sự phối hợp của nhà đầu tư BOT đường bộ trong triển khai thu phí không dừng chưa tốt. Có nhiều nhà đầu tư BOT bằng nhiều cách, gián tiếp cản trở triển khai thu phí không dừng. Điều này do một số nhà đầu tư BOT ngại minh bạch, một số lại lo không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, giấu doanh thu”, ông Toàn nói.

Ngoài ra, do mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động không đảm bảo, Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng điều chỉnh lại, mất thêm nhiều thời gian. Dẫn tới chậm tiến độ triển khai cả giai đoạn 1 và đấu thầu tìm nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho giai đoạn 2. Ông Toàn bày tỏ kỳ vọng, trong tháng 2 và 3/2019, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng sẽ được đẩy nhanh, khi một số vướng mắc được giải quyết.

2,8 triệu xe dán thẻ, số tiền cả nghìn tỷ chưa có biện pháp quản lý

Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu ô tô, nếu tất cả đóng tiền vào tài khoản giao thông, số tiền sẽ không hề nhỏ.

Lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện mới có vài trạm thu phí của đơn vị quản lý lắp đặt thu phí tự động, nhưng mới ở dạng thử nghiệm. Bên cạnh đó, số lượng ô tô sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng cũng chưa nhiều.

“Giờ chúng tôi đang đợi Bộ GTVT phê duyệt thủ tục, sau đó mới đấu thầu tìm nhà cung cấp dịch vụ, khi đó mới triển khai rộng thu phí tự động không dừng được”, lãnh đạo VEC cho hay.

Việc không có lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí, cũng khiến thị trường kém cạnh tranh, nhiều nhà đầu tư BOT chưa muốn tham gia.

Câu chuyện ở đây cũng cần phải nói đến, đó là Tổng cục ĐBVN và nhà đầu tư thu phí tự động đừng biến chủ phương tiện thành “vật tế thần” cho những toan tính của mình, khi nhiều câu hỏi về dán thẻ, nộp phí, tiền trong thẻ ai quản lý, quản lý như thế nào chưa được trả lời thấu đáo.

Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN tiếp tục bổ sung vào Thông tư 49/2016 mà không tính toán đến quyền lợi các chủ phương tiện, lúc đó sẽ xuất hiện không ít ý kiến phản biện và người dân vẫn sẽ thờ ơ với loại hình dịch vụ này./.

- Hiện tại, cả nước có 26/44 trạm thu phí đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chính Minh vận hành thu phí tự động không dừng, 7 trạm thu phí đang vận hành thử. Tính tới 20/12/2018, mới có 680.000 ô tô dán thẻ thu phí tự động, trong khi cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu ô tô đang lưu hành.

- Trước đó, Chính phủ đặt lộ trình hết năm 2018 tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí không dừng; hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đạt được một nửa mục tiêu.

- Tại Hội nghị tổng kết ngành GTVT ngày 11/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chuyển sang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định.

Phi Long

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.