Nguyên Chủ tịch TP Hạ Long bị bắt, niêm phong dàn xế 'khủng'
Ngày 14/5, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết trong quá trình điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại CTCP Quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà, nguyên trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nguyên chủ tịch UBND TP Hạ Long, về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự, theo báo Người Lao Động.
Nguồn tin cho biết qua điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định từ năm 2017 đến năm 2021, CTCP quản lý đường sông số 3 đã tham gia ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục đường thủy nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.
Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3 đã có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Đồng thời, thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Hồng Hà, nguyên trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Hiện Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh củng cố tài liệu, chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong hôm 14/5, nhiều tài sản có giá trị lớn của ông Phạm Hồng Hà, trong đó có xe ô tô đã được dán niêm phong để lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp điều tra. Trong số này, có các xe thuộc phân khúc xe, từ phổ thông, trung cấp, cao cấp cho đến hạng sang.
Giá trị thấp nhất trong số 4 xe của ông Phạm Hồng Hà bị niêm phong là chiếc SUV cao cấp thương hiệu VinFast Lux SA2.0. Với phiên bản cao nhất, mẫu xe này giá công bố là 1,835 tỷ đồng. Tiếp theo là mẫu xe Đức thuộc phiên bản cao cấp nhất của dòng xe E-Class, Mercedes-Benz E 300 AMG có giá bán gần 3 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí lăn bánh.
Xuất hiện trong nhà ông Phạm Hồng Hà, Lexus ES 300h là dòng xe cao cấp được giới nhà giàu Việt Nam ưa chuộng, giá khoảng 3,06 tỷ đồng.
Cuối cùng, Lexus LX 570 là chiếc xe trong nhà nguyên Chủ tịch TP Hạ Long cũng bị dán niêm phong để phục vụ điều ra. Đây là một trong những dòng SUV 7 chỗ hạng sang tại thị trường Việt Nam, được nhiều đại lý tư nhân đưa về nước với giá bán xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Hình ảnh "Bộ sưu tập" xe hơi đắt tiền trong nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long:
(Ảnh: Báo Thanh Niên).