|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ KienlongBank: Lãnh đạo ngân hàng tự tin với kế hoạch lãi 800 tỷ năm 2024, bầu hai thành viên HĐQT

10:47 | 26/04/2024
Chia sẻ
Trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. KienlongBank dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2024.

Khung cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niêm 2024 của KienlongBank. (Ảnh: KienlongBank).

Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - Mã: KLB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. 

Tính đến 9h ngày 26/4, số cổ đông hoặc người được uỷ quyền tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến là 79 người, sở hữu hơn 354 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 97,83% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã đủ điều kiện tiến hành.

Theo tài liệu đã công bố, trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tín dụng mục tiêu tăng hơn 14%, tổng huy động tăng 3,22%, tổng tài sản tăng 3,5% lần lượt đạt 60.000 tỷ, 81.000 tỷ và 90.000 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của KienlongBank. (Ảnh: KienlongBank).

Trong năm trước, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Kienlongbank đạt hơn 718 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó lợi nhuận riêng ngân hàng đạt 711 tỷ đồng, lợi nhuận công ty con là hơn 7 tỷ đồng. Lãi thuần từ các hoạt động dịch vụ năm 2023 tăng hơn 35%.

Tính đến cuối năm 2023, tổng vốn huy động đạt 78.476 tỷ đồng, tăng 3,47% so với cuối năm 2022, trong đó tiền huy động từ các tổ chức kinh tế chiếm gần 77% tỷ trọng với mức tăng 15,6%.

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của ngân hàng ở mức 68,2%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 23,26%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu là 9,73%.

Ngân hàng cũng dự kiến trình đại hội đồng cổ đông phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận (1.525 tỷ đồng) nhằm gia tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh của KienlongBank.

Đại hội cũng sẽ xem xét thông qua việc chi trả thù lao HĐQT, BKS năm 2023 và đề xuất thù lao HĐQT, BKS năm 2024; Ban hành thay thế Điều lệ ngân hàng; thay đổi cơ cấu, số lượng và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2027.

Lợi nhuận năm 2024 của KienlongBank dự kiến chưa bằng năm 2021. 

THẢO LUẬN:

- Chiến lược phát triển nhóm khách hàng tiểu thương, thương mại điện tử (TMĐT)?

Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh: Khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương, TMĐT thì không chỉ KienlongBank mà nhiều ngân hàng đều quan tâm. Ngân hàng đã có chiến lược, ứng dụng công nghệ số để tiếp cận nhóm khách hàng này. 2023 đã triển khai MyShop, được thiết kế riêng cho nhóm khách hàng này và đã nhận giải thưởng Sao khuê. Không chỉ phần mềm mà ngân hàng còn cung ứng phần cứng để thanh toán, quản lý thuận lợi.

Năm 2023 các cửa hàng, cá nhân trên nền tảng TMĐT đã sử dụng tích cực. 2024 lượng khách hàng dự kiến tăng khoảng gấp 3 lần. Sản phẩm này của KienlongBank hoàn toàn có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác. KienlongBank sẽ cố gắng triển khai đồng bộ, nâng cấp cho tệp khách hàng trên và Tự tin với sản phẩm này trong thời gian tới. 

- Kế hoạch kiểm soát rủi ro của ngân hàng trong năm 2024?

Trưởng BKS Đỗ Thị Tuyết Trinh: KienlongBank sẽ kiểm soát rủi ro trên quan điểm thận trọng phát triển tín dụng có trọng tâm và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, tăng trưởng tín dụng dựa trên đảm bảo thanh khoản, huy động từ thị trường. Tín dụng ưu tiên sản xuất, tạo động lực cho nền kinh tế. Ưu tiên cấp tín dụng xanh, cho vay nông lâm thủy sản, mua nhà, tiêu dùng …

Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ngân hàng số, tăng cường giám sát tuân thủ quy định của pháp luật. Tiến tới áp dụng triển khai theo chuẩn mực Basel III trong năm 2024 nhằm nâng cao năng lực.

 

 

- Cổ đông lâu năm, con số lợi nhuận của KLB khá khiêm tốn nhưng trong những năm gần đây đã có tăng trưởng đột phát, có thể lên tới 1.000 tỷ đồng. Đâu là cơ sở và chiến lược định hướng gì?

Chủ tịch HĐQT Trần Thị Thu Hằng: Kết quả này là nỗ lực của cả quá trình, không chỉ 3 năm nỗ lực phấn đấu mà còn từ nhiều năm trước, các lãnh đạo đi trước đã tạo cơ sở nền móng để vượt qua khó khăn, khủng hoảng của nền kinh tế. Chúng tôi đã thể hiện kết quả bằng hiệu quả kinh doanh trong những năm vừa qua.

Mọi thứ mới bắt đầu, chúng tôi còn một chặng đường dài. KienlongBank sẽ nỗ lực, luôn theo tôn chỉ: thượng tôn pháp luật hàng đầu, hoạt động an toàn bền vững và kết quả kinh doanh là thước đo hiệu quả ngân hàng. Mong cổ đông vẫn sẽ là cổ đông lâu năm của KienlongBank. 

- Chia sẻ mục tiêu tăng trưởng quy mô vốn điều lệ năm 2024 - 2025?

Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh: Đến năm 2025, cơ bản các ngân hàng đều phải nâng cấp vốn điều lệ. Dự kiến trong năm 2024 có thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng vốn điều lệ. Năm 2025, đánh dấu tròn 30 tuổi thì ngân hàng có rất nhiều hoài bão kế hoạch định hướng …

Vốn điều lệ sẽ có lộ trình để chuyển tiếp, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững. KienlongBank cũng đang có một số nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đang trong đàm phán. Nội dung chưa thể chia sẻ, khi thích hợp sẽ thực hiện công bố thông tin.

- Tỷ lệ nợ xấu là 1,42%, không quá cao so với thị trường nhưng có nợ xấu tiềm ẩn hay không?

Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh: Con số 1,42% thấp hơn trung bình thị trường. Chính sách về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ là chính sách được khách hàng và người dân đón nhận trong và hậu COVID. Bản thân khách hàng của KienlongBank cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Khách hàng được cơ cấu nợ đều đã thực hiện cơ bản nghĩa vụ, hoàn thành 100%.

Hiện chỉ còn 5 tỷ đồng nợ trong diện theo dõi và thực hiện thu nợ. Gần như không có áp lực nợ tiềm ẩn từ cơ cấu nợ. Đối với nợ xấu nằm trong con số 1,42%, các khách hàng nợ xấu là khách hàng nhỏ lẻ, do đó khả năng khắc phục, thu hồi nợ gần như chắc chắn. Chúng tôi tự tin sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh của KienlongBank trong thời gian tới. 

- Đề nghị chia sẻ định hướng ESG?

Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thanh Hường: KienlongBank được hình thành với sứ mệnh và tôn chỉ Tâm - Tín - Kiên - Xanh. Ngân hàng luôn là thương hiệu xanh, phát triển bền vững. KienlongBank có nhiều lợi thế trong triển khai ESG và triển khai công tác này thông qua các công việc thực tế trước đây, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL.

Năm 2024, ngân hàng sẽ tập trung toàn diện, đồng bộ hơn làm tiền đề cho nâng cao ESG trong thời gian tới. Kế hoạch trong thời gian tới bao gồm: Thiết lập hệ thống ESG, mô hình quản trị; tích hợp ESG trong khung chiến lược; xây dựng hệ thống quy định, nguyên tắc ESG; xây dựng cơ sở dữ liệu về báo cáo, quản trị ESG và phát hành báo cáo phát triển bền vững. 

- Chia sẻ giải pháp nâng khả năng tiếp cận vốn?

Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh: Như trong định hướng năm 2024, KienlongBank tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để giản lược thủ tục, nâng cao chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng.Trong năm 2023, ngân hàng đã tuân thủ chủ trương chia sẻ lợi nhuận, tiết kiệm chi phí để tập trung giảm lãi suất cho vay, giúp khách hàng có lãi suất phù hợp hơn.

Trong năm 2023, Chính phủ đề xuất các ngân hàng giảm từ 1,5 - 2 điểm % lãi suất cho vay. Với 8 lần giảm lãi suất, KienlongBank đã giảm lãi suất 3 điểm %, vượt mục tiêu của Chính phủ. Trong năm 2024, ngân hàng không chỉ dừng lại những con số kia.

Từ đầu năm đã giảm lãi suất 3 chương trình với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân và kinh doanh nhỏ lẻ, trong đó có gói lãi suất 0%/năm để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn chuyển đổi. Với các gói lãi suất đó giúp giảm lãi suất cho khách hàng, cung cấp tiện ích để khách hàng tiếp cận nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thị trường.

 HĐQT đã bầu hai thành viên HĐQT mới. (Ảnh: KLB).

HĐQT đã bầu hai bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1983 vào vị trí thành viên HĐQT không phải là người điều hành và bà Hoàng Thị Phượng, sinh năm 1987 vào vị trí Thành viên Ban Kiểm soát.

Bà Hạnh có trình độ Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại University of Delaware và Cử nhân kinh tế Đầu tư, Cử nhân Tiếng Anh tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại ngữ. Bà đã bắt đầu công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng từ năm 2006.

Ngoài chức danh dự kiến bầu vào HĐQT KienlongBank, bà còn đang là thành viên HĐQT của Chứng khoán Smartmind. Bà Phượng có trình độ Cử nhân Kế toán tại Học viện Tài chính. Bà Bắt đầu làm việc trong lĩnh vực tài chính, kế toán từ năm 2009 và gia nhập Kienlongbank từ năm 2022. Trước đó, bà đã công tác tại các ngân hàng như Eximbank, Techcombank, VPBank …

Đại hội thông qua tất cả tờ trình.

Minh Quang