|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Liệu Mỹ và Canada sẽ bỏ rơi kinh tế Mexico?

15:51 | 25/01/2017
Chia sẻ
Mỹ và Canada vừa đưa ra tín hiệu rằng họ có thể chốt thỏa thuận thương mại mới mà không có Mexico. Quốc gia Nam Mỹ cũng cho hay họ không quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận nào đẩy mình vào thế bất lợi.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. REUTERS

Theo CNN, phát ngôn viên Nhà Trắng ông Sean Spicer, vừa nhấn mạnh rằng tân Tổng thống sẽ tìm kiếm thỏa thuận thương mại “song phương” với các nước trên thế giới trong thời gian tới.

Một thỏa thuận giữa Canada và Mỹ sẽ là cú sốc lớn cho Mexico, nước hiện có hơn 80% hàng nhập khẩu cập cảng Mỹ và Canada - hai đối tác thương mại lớn nhất. Điều này cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp Mỹ vốn cung ứng hàng hóa cho ba nước hiện nay.

Giới chuyên gia nhận định việc hủy quan hệ thương mại chặt chẽ với Mexico sẽ khiến các nước mất công ăn việc làm, song quốc gia Nam Mỹ vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ, Canada và Mexico - là dạng thỏa thuận gồm ba hay nhiều bên tham gia.

Ông Spicer đưa ra thông tin trên sau khi đại sứ Canada ở Mỹ, ông David MacNaughton, cũng vừa cho hay hồi tuần trước rằng Canada sẽ xem xét các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ. Ông MacNaughton nói với cánh báo giới: “Chúng tôi sẽ hợp tác về các vấn đề của ba bên khi nó liên quan đến lợi ích của chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ thực hiện nhiều việc có liên quan đến lợi ích song phương”.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói NAFTA “có thể là thỏa thuận thương mại tệ nhất từng được ký trên thế giới”. Tuần này, ông nhắc lại rằng việc tái đàm phán NAFTA có thể bắt đầu sớm. Nếu các cuộc đàm phán không diễn biến tốt, Nhà Trắng cho hay họ có kế hoạch rút Mỹ khỏi NAFTA. Phát ngôn viên Spicer sau đó cho biết số phận NAFTA sẽ phụ thuộc vào cuộc họp sắp tới của ông Trump với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto.

Nhà lãnh đạo của ba nước đều có phát biểu hồi tuần trước. Mỗi người nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào cũng phải giúp các bên tham gia hưởng lợi. Hôm 23.1, ông Pena Nieto cho hay Mexico sẽ hỗ trợ NAFTA, nhưng nói thêm rằng ông cởi mở với một thỏa thuận được tái cân nhắc miễn là nó giúp Mexico hưởng lợi. Sau đó một ngày, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cảnh báo rằng nước này có thể rút khỏi NAFTA nếu các điều khoản của thỏa thuận mới không thuận lợi.

Mỹ và Canada hiện có một trong những mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước là 662 tỉ USD. Cả hai từng có thỏa thuận thương mại tự do song phương trước NAFTA, là yếu tố đặt nền cho NAFTA. Hiệp định trước được cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hậu thuẫn, được ký kết vào năm 1987.

Theo các chuyên gia, đi ngược về thỏa thuận đó thì dễ về mặt giấy tờ song đàm phán lại cách các doanh nghiệp vận hành theo NAFTA thì khó hơn vì nhiều chuỗi cung ứng hiện trải rộng trên cả ba quốc gia. Scott Lincicome, luật sư thương mại tại hãng White & Case, nói: “Việc Mỹ và Canada loại trừ Mexico sẽ là biến động đáng kể với chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp”.

Thu Thảo