Liệu Fed có tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025?
Cân đo đong đếm
Giới đầu tư dự đoán Fed chắc chắn sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 17 - 18/12. Tuy nhiên, sang năm sau, câu hỏi liệu Fed có tiếp tục giảm lãi suất hay không sẽ trở nên khó đoán hơn nhiều.
Gần đây các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã phát tín hiệu rằng đợt cắt giảm tuần này có thể sẽ khép lại giai đoạn đầu tiên của chiến dịch hạ lãi suất.
Trong giai đoạn đầu tiên, giới chức Fed đặt tiêu chuẩn tương đối thấp cho việc hạ lãi suất bởi họ đã duy trì chi phí đi vay ở mức cao trong vài năm trước đó. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã chờ thêm vài tháng để chắc chắn lạm phát đang đi xuống mốc 2%.
Fed tung ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 và thực hiện động thái tương tự trong tháng trước. Nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất trong tuần này thì đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp.
Một số nhà hoạch định chính sách ra hiệu họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang cải thiện hoặc thị trường lao động xuống dốc trước khi tiếp tục giảm chi phí vay.
Bà Beth Hammack, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, phát biểu vào đầu tháng 12: “Chúng tôi đã tới hoặc đang rất gần điểm hợp lý để giảm tốc độ hạ lãi suất”. Bà chỉ ra trong thập niên 1990, Fed cũng đã từng hạ lãi suất nhanh chóng, sau đó tạm ngừng để quan sát thêm.
Về phần Chủ tịch Fed Jerome Powell, ông đang đối mặt với áp lực lớn hơn trước từ những đồng nghiệp hoài nghi việc cắt giảm lãi suất. Cách dễ nhất để ông đạt được sự đồng thuận trong nội bộ Fed là giảm lãi suất trong tuần này và gợi ý rằng Fed có thể chờ thêm một vài cuộc họp nữa rồi mới tiếp tục hành động.
Trong cuộc họp tháng 9, giới chức Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025, nhưng bây giờ nhiều khả năng họ sẽ giảm con số đó còn hai hoặc ba lần.
Tiến tới lãi suất trung tính
Cuộc họp tuần này nhiều khả năng sẽ tập trung vào hai vấn đề có thể định đoạt hướng đi của lãi suất năm tới, đó là lãi suất “trung tính” và chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Lãi suất trung tính là mức lãi suất lý tưởng không kiềm chế hay kích thích hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, việc xác định con số đó khá phức tạp và các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều ước tính khác nhau với độ chênh lệch lớn.
Fed càng tiến gần đến mức trung tính thì càng có ít lý do để giảm lãi suất thêm nữa, đặc biệt là nếu lạm phát nóng lên và thị trường lao động vẫn vững vàng.
Hiện tại, một số quan chức ẩn ý rằng logic để ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vào tháng trước có thể vẫn còn đúng cho ít nhất một lần nữa.
Ông Dean Maki, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Point72 Asset Management, bình luận: “Lý do để Fed hạ lãi suất là các quan chức nghĩ họ vẫn còn cách khá xa mức lãi suất trung tính… và lạm phát thực sự có vẻ đang trong quỹ đạo đi xuống”.
Lãi suất chính sách của Fed hiện vào khoảng 4,6%, còn các ước tính về lãi suất trung tính chủ yếu nằm trong phạm vi 2,5% - 4%. Ông Donald Kohn, cựu Phó Chủ tịch Fed, bình luận: “Có vẻ Fed còn phải hạ lãi suất thêm 50 đến 75 bps nữa”.
Nhưng một số quan chức có thể phản đối việc cắt giảm sâu hơn để tránh nền kinh tế nóng lên quá mức hoặc do họ cho là lãi suất trung tính thực tế cao hơn hẳn tính toán của hầu hết các mô hình. Một số quan chức cũng có thể lo ngại động thái đó sẽ khiến giá chứng khoán và bitcoin tăng cao hơn nữa, kéo tiêu dùng đi lên và ngăn lạm phát hạ nhiệt.
Ông Kohn chỉ ra: “Liệu Fed có nên đổ thêm dầu vào lửa không? Tôi không chắc đó là ý kiến hay”.
Phe ngờ vực việc cắt giảm lãi suất có thể đã có thêm sự tự tin bởi thị trường lao động chưa suy yếu nhiều, còn đà giảm của lạm phát thì đang chững lại.
Còn nhiều biến số
Các đề xuất về chính sách thuế, thương mại, nhập cư và quản lý của ông Trump có thể thay đổi các kịch bản về tăng trưởng kinh tế, việc làm và lạm phát trong những năm tới. Giới chức Fed sẽ bắt đầu bàn luận về những biến số này trong cuộc họp tháng 12.
Ví dụ, lệnh trục xuất và các động thái thắt chặt chính sách nhập cư khác có thể kéo tiền lương đi lên nhưng lại làm giảm nhu cầu. Thuế quan có thể khiến giá hàng hóa tăng và đồng thời khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút, củng cố đồng USD hoặc đè nặng lên tâm lý doanh nghiệp. Sản lượng dầu mỏ gia tăng có thể bù đắp tác động khi hàng hoá trở nên đắt đỏ hơn.
Cựu Phó Chủ tịch Fed Kohn chỉ ra: “Có quá nhiều biến số trong nhiệm kỳ hai của ông Trump”.
Trước hoàn cảnh trên, Chủ tịch Powell nói rằng Fed không nên dò đoán về tác động từ những chính sách của Nhà Trắng. Trong bài phát biểu hồi đầu tháng, ông Powell liệt kê những ẩn số về thuế quan, bao gồm loại hàng hóa và đất nước nào sẽ chịu ảnh hưởng, mức thuế suất là bao nhiêu, doanh nghiệp có bao nhiêu thời gian chuẩn bị và các đối tác thương mại của Mỹ sẽ phản ứng thế nào.
Ông nêu quan điểm: “Chúng ta phải chờ cho việc diễn ra”. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang lập các mô hình và quan sát. Nhưng những quyết định chúng tôi đưa ra lúc này sẽ không xoay quanh chúng”.
Một số quan chức Fed cũng có chung quan điểm với ông Powell. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho biết ông đã yêu cầu các nhân viên “chờ lâu nhất có thể” trước khi gộp các giả định về thay đổi chính sách vào các công trình nghiên cứu xác định mức lãi suất phù hợp.
Ông Alberto Musalem, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, đồng tình: “Đối với cá nhân tôi, cuộc họp tháng 12 chắc chắn là còn quá sớm để bắt đầu tính tới những thay đổi về chính sách khi xác định lập trường hay đưa ra dự báo”.