|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liên tục đứng đầu về tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng, kinh tế Hà Nam phát triển thế nào trong 9 tháng đầu năm?

15:17 | 09/10/2024
Chia sẻ
Trong 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh Hà Nam ước tính tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao thứ nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, năm 2024 địa phương đặt ra 16 chỉ tiêu cho từng lĩnh vực. Trong đó, có những mục tiêu lớn như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 10,5%; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 16.076 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7% so với ước thực hiện năm 2023; tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,5%...   

Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, trong quý I, GRDP trong tỉnh  ước đạt 10,98% so với cùng kỳ năm trước, là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 5 cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm, con số này tiếp tục tăng 10,35% và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Hà Nam đứng thứ đầu trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc.

9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh ước tính tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao thứ nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc.

Tăng trương GRDP 9 tháng đầu năm 2024 của Hà Nam (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nam

IIP ước tính tăng 15,4% 

Trong 9 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm kể từ năm 2020 trở lại đây. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 6,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,3%.

677 doanh nghiệp thành lập mới  

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 24/9, toàn tỉnh có 677 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng kýđạt 9.248 tỷ đồng, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023; có 704 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 14,3%; và 71 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tăng 29,1%.

Vốn FDI đăng ký mới là 98,2 triệu USD 

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tính đến 30/8, thực hiện cấp mới 16 dự án (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số vốn đăng ký là 98,2 triệu USD (giảm 44,4%); thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 26 dự án với số vốn tăng 320,9 triệu USD (tăng 295,7%) và thu hồi, chấm dứt hoạt động 4 dự án với số vốn đăng ký 11,7 triệu USD;

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 12%

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng ước đạt 39.163,4 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 31.961,9 tỷ đồng, tăng 9,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.244,0 tỷ đồng, tăng 6,6%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 1.096,0 tỷ đồng, tăng 188,6%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.861,5 tỷ đồng, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2024 của Hà Nam (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nam 

Bình quân CPI tăng 3,69% 

Về giá cả, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh từ ngày 7/9 đến trung tuần tháng 9, để lại những thiệt hại nặng nề về giao thông, sản xuất, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Nguồn cung một số mặt hàng lương thực, thực phẩm bị khan hiếm khiến giá cả có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng rau củ.

Giá xăng dầu liên tiếp có sự điều chỉnh giảm, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng cao, là những nguyên nhân chính tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,31% so với tháng trước; tăng 3,31% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,78% so với tháng 12 năm 2023; bình quân 9 tháng tăng 3,69% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngọc Bảo