|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liên kết trong ngành gỗ là xu hướng tất yếu

17:18 | 17/04/2017
Chia sẻ
Gỗ Việt Nam hiện đang nằm trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, với kim ngạch đạt gần 7 tỷ USD trong năm 2016. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây có giảm song ngành gỗ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nếu như tạo ra được một liên kết chuỗi trong sản xuất.
 

Năng suất ngành thấp do thiếu liên kết

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất của ngành gỗ thấp là chưa có tính liên kết trong ngành, Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam (Vietfores) cho biết tại Hội thảo Liên kết trong ngành chế biến gỗ được tổ chức tại Hà Nội chiều hôm nay (ngày 17/4).

Trong đó, việc thiếu liên kết làm lãng phí nguồn lực trong đầu tư, đặc biệt là khâu dự trữ nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đều phải dự trữ nguyên liệu gỗ đầu vào. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tập trung cho nguồn lực tài chính rất lớn tới 60 – 70% tổng vốn của doanh nghiệp để tập trung cho khâu dự trữ nguyên liệu. Chỉ có khoảng 30 - 40% vốn còn lại là tập trung vào khâu chế biến và sản xuất.

Trong khi cùng là một ngành nhưng với một số nước như Trung Quốc lại có cách làm khác. Cụ thể, một doanh nghiệp Trung Quốc mỗi ngày xuất 60 container đồ gỗ và cần dự trữ khoảng 2.000 m3 gỗ xẻ nguyên liệu. Có nghĩa là họ tập trung nhiều cho khâu chế biến. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam mỗi ngày chỉ xuất khẩu 10 container hàng nhưng dự trữ tới 10.000 m3 gỗ.

lien ket trong nganh go la xu huong tat yeu
Tọa đàm liên kết trong ngành chế biến gỗ (Ảnh: An Vũ)

Vietfores cũng cho biết, không có liên kết dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đầu tư dàn trải vào nhiều khâu các nhau của chuỗi cung nhằm chủ động trong sản xuất. Tuy nhiên, rủi ro có thể xảy ra làm hạn chế hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thiếu liên kết làm mất cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có uy tín hiện nhận được những đơn hàng nhưng với khả năng của mình thì không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Kết quả là doanh nghiệp mất cơ hội chia sẻ các đơn hàng, thậm chí có thể chịu tổn thất lớn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu đơn hàng.

Đảm bảo nguồn gỗ cho thị trường khó tính

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Viforest nhấn mạnh: “Việc liên kết giữa doanh nghiệp và chủ trồng rừng là rất quan trọng. Bởi, việc liên kết sẽ giải quyết được ba vấn đề cơ bản là nguồn cung nguyên liệu gỗ được đáp ứng, đảm bảo nguồn gốc gỗ, truy xuất gỗ một cách dễ dàng và lợi nhuận của các bên đều đạt được. Việc liên kết này là xu thế tất yếu trên thế giới và của Việt Nam trong tương lai vì liên quan đến sản xuất theo chuỗi”.

Theo Viforest, không riêng Việt Nam, thị trường thế giới đang yêu cầu khắt khe về việc sử dụng sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Cụ thể sản phẩm này sẽ đáp ứng được các yêu cầu tại các thị trường khó tính như Mỹ (với Đạo luật Lacey Act) hoặc các nước EU (trong khuôn khổ của Quy định về Gỗ EUTR).

Ông Quyền cho rằng, trước đây doanh nghiệp có thể mua gỗ của các hộ trồng rừng nhỏ lẻ nhưng nay doanh nghiệp muốn mua gỗ từ các chủ rừng lớn, các hợp tác xã để yên tâm về nguồn gốc. Tuy nhiên, trong mối liên kết cần quan tâm đến việc trồng rừng có chứng nhận về quản lý rừng (FSC) để có gỗ hợp pháp hay chỉ liên kết để trồng rừng truyền thống.

Cùng quan điểm ông Nguyễn Vinh Quang, đại diện Tổ chức Forest Trends cho rằng, nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng để làm đồ gỗ xuất khẩu ngày càng tăng để đảm bảo được sự ổn định về nguồn cung và tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu. Theo đó, để duy trì nguồn nguyên liệu hợp pháp, mô hình liên kết giữa các công ty gỗ và các hộ gia đình trồng rừng đã đuợc hình thành và đang trên đà phát triển.

An Vũ