|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lịch cổ tức tiền mặt của 14 doanh nghiệp, cao nhất 20%

16:00 | 25/12/2021
Chia sẻ
Trong tuần từ 28/12 đến 3/1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 14 doanh nghiệp sẽ chốt quyền cổ tức bằng tiền mặt, cao nhất 2.000 đồng/cp.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) dự định trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tức là cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.

Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 29/12 và 11/1. Đức Giang hiện có 171 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 171 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Chủ tịch Đào Hữu Huyền đang sở hữu 18,5% vốn nên sẽ được nhận khoảng 31 tỷ đồng.

Năm 2020, 2019 và 2018, công ty đều trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/cp.

Trong quý III vừa qua, Đức Giang ghi nhận doanh thu thuần 2.106 tỷ đồng và lãi sau thuế 488 tỷ, tăng trưởng lần lượt 35% và 107% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 31% lên 6.094 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 58% lên trên 1.100 tỷ.

Lịch cổ tức tiền mặt của 14 doanh nghiệp, cao nhất 20% - Ảnh 1.

Đức Giang báo lãi kỷ lục trong quý III/2021 khi giá phân bón và các loại hóa chất lên cao.

Trong quý IV, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 3.650 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 600 tỷ. Đức Giang cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 10 tỷ đồng để hoàn chỉnh hệ xuất HPO thực phẩm tại Hải Phòng và 30 tỷ đồng để xây dựng dây truyền ba nhà máy HPO điện tử.

Sản phẩm chính của Đức Giang là các loại phân bón, phốt pho vàng và axit phosphoric. Tổng sản lượng tiêu thụ mỗi quý hàng trăm nghìn tấn.

Lịch cổ tức tiền mặt của 14 doanh nghiệp, cao nhất 20% - Ảnh 2.

Sản phẩm chính của Đức Giang là các loại phân bón, phốt pho vàng và axit phosphoric.

Trong giai đoạn 8/11 – 7/12, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã bán 9,1 triệu cổ phiếu DGC theo phương thức khớp lệnh, thu về khoảng 1.400 – 1.500 tỷ đồng.

Mới đây, Vinachem tiếp tục công bố kế hoạch bán nốt hơn 6 triệu cổ phiếu DGC còn lại, tương đương 3,53% tổng số cổ phiếu lưu hành của Hóa chất Đức Giang. Thời gian giao dịch dự kiến trong quý I/2022. Nếu bán hết như kế hoạch, Vinachem sẽ thu về gần 1.000 tỷ đồng, tính theo thị giá hiện nay là khoảng 160.000 đồng/cp.

CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC) dự định trả cổ tức đợt 2/2020 bằng tiền mặt 2.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 3/1 và 28/1.

Công ty hiện có gần 17,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi ra khoảng 35 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới. Công ty cổ phần PAN Farm đang sở hữu trên 80% vốn của NSC nên sẽ được nhận hầu hết số cổ tức nói trên.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, đồng thời là Thành viên HĐQT của NSC.

Một số doanh nghiệp khác cũng dự định trả cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/cp trong đợt này gồm CTCP Que hàn Việt Đức (Mã: QHD)CTCP Khu Công nghiệp Cao su Bình Long (Mã: MH3).

CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt 1.500 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 28/12 và 26/1. Công ty hiện có 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 18 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ đang nắm giữ hơn 4 triệu cổ phiếu DSN, tương đương 33,54% vốn của Đầm Sen, nên sẽ được nhận khoảng 6 tỷ đồng trong đợt cổ tức này.

Lịch cổ tức tiền mặt của 14 doanh nghiệp, cao nhất 20% - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Công viên nước Đầm Sen đi xuống trong hai năm COVID.

Trong quý III vừa qua, Đầm Sen ghi nhận doanh thu thuần chỉ 420 triệu đồng, giảm 99% so với cùng kỳ 2020. Do doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến lên 20,7 tỷ đồng nên công ty vẫn có lãi sau thuế gần 12,6 tỷ.

Lũy kế ba quý đầu năm, Đầm Sen có doanh thu thuần 24,2 tỷ và lãi sau thuế 16,9 tỷ, suy giảm lần lượt 66% và 28% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Ngày 27/1 tới đây, Đầm Sen sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Ngày GDKHQ cũng là 28/12, trùng với đợt trả cổ tức nói trên.

Lịch cổ tức tiền mặt của 14 doanh nghiệp, cao nhất 20% - Ảnh 5.

Song Ngọc