|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất gần 40%

15:41 | 18/12/2021
Chia sẻ
Trong tuần từ 21/12 đến 27/12 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp chốt quyền nhận cổ tức cũng như phát hành thêm cổ phiếu, bao gồm các ngân hàng như Vietcombank, BIDV.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) dự kiến trả cổ tức còn lại của năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 12% và cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 27,6%, tổng tỷ lệ là 39,6%.

Nhà đầu tư nắm giữ 1.000 đơn vị VCB sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới và 1,2 triệu đồng tiền mặt (chưa trừ thuế). Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) của cả hai đợt cổ tức đều là 22/12, ngày nhận tiền mặt là 5/1/2022.

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất gần 40% - Ảnh 1.

Một chi nhánh Vietcombank trên phố Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Vietcombank hiện có vốn điều lệ 37.089 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Trong đợt cổ tức tới, nhà băng này sẽ cần chi khoảng 4.450 tỷ đồng và phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu mới.

Vốn điều lệ mới của Vietcombank dự kiến khoảng 47.325 tỷ đồng, nằm trong top đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hai cổ đông lớn nhất của Vietcombank hiện nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Mizuho Corporate Bank (Nhật Bản) đang sở hữu tổng cộng gần 90% vốn điều lệ và do vậy sẽ được nhận phần lớn số cổ tức nói trên.

Một nhà băng quốc doanh khác cũng sắp chốt quyền cổ tức là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), trong đó cổ tức tiền mặt là 200 đồng/cp, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,8%.

Ngày GDKHQ đều là 23/12, ngày thanh toán tiền mặt là 24/1/2022. BIDV hiện có vốn điều lệ 40.220 tỷ đồng nên sẽ cần chi hơn 800 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới hơn 1 tỷ cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.

Hai cổ đông lớn nhất của BIDV hiện nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đang sở hữu tổng cộng 96% vốn nên sẽ được nhận gần hết số cổ tức nói trên.

Vốn điều lệ của BIDV sau chia cổ tức là trên 50.000 tỷ đồng, vượt qua VietinBank để giữ ngôi đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất gần 40% - Ảnh 2.

Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, BIDV sẽ dẫn đầu về vốn điều lệ, theo sau là VietinBank và Vietcombank.

Đầu tháng 12, nhà băng quốc doanh còn lại là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) đã thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/12 để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%, tương ứng 800 đồng/cp. Ngày thanh toán là 17/1/2022, tổng giá trị hơn 3.800 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) dự định phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 35%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận 35 cổ phiếu mới.

Ngày GDKHQ và ngày chốt danh sách cổ đông lần lượt là 20/12 và 21/12. TPBank hiện có vốn điều lệ 11.717 tỷ đồng nên sẽ cần phát hành thêm 411 triệu cổ phiếu TPB. Vốn điều lệ mới là 15.818 tỷ đồng, tương đương hơn 1,58 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất gần 40% - Ảnh 3.

Một phòng giao dịch TPBank tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL) có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 31%. Ngày GDKHQ là 24/12.

Novaland hiện có hơn 1,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành mới khoảng 457 triệu cổ phiếu NVL. Vốn điều lệ sau cổ tức là hơn 19.300 tỷ đồng.

Trong tuần qua, Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn vừa chuyển nhượng 107 triệu cổ phiếu NVL để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Novagroup.

Sau giao dịch, ông Nhơn còn lại 210 triệu đơn vị NVL, Novagroup nắm giữ hơn 397 triệu cổ phiếu. Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cũng là người quản lý của Novagroup.

Vợ ông Nhơn là bà Cao Thị Ngọc Sương đang nắm giữ 80,4 triệu cổ phiếu NVL. Con trai là Bùi Cao Nhật Quân sở hữu 62 triệu đơn vị. Một công ty có liên quan khác là Diamond Properties nắm giữ 155 triệu cổ phiếu NVL.

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất gần 40% - Ảnh 5.

Trong đợt cổ tức tới, gia đình Chủ tịch Bùi Thành Nhơn và các công ty liên quan sẽ được nhận khoảng 280 triệu cổ phiếu NVL phát hành mới.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tức là cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 21/12 và 31/12.

Số cổ phiếu VHC đang lưu hành là khoảng 182 triệu đơn vị nên công ty sẽ cần chi 364 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh đang kiểm soát 43,2% vốn của Vĩnh Hoàn và sẽ được nhận hơn 158 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới.

Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) dự kiến trả cổ tức đợt 2/2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Tổng số cổ phiếu sắp phát hành là gần 33 triệu đơn vị.

Nhiều doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức, cao nhất gần 40% - Ảnh 6.

Đức Quyền - Song Ngọc