'Lên vì cái gì xuống bằng cái đấy, COVID qua đi, NĐT xu hướng rút ra và đã quá thỏa mãn với tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường'
Tại Toạ đàm: "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng 29/4, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital chia sẻ quan điểm về quá trình giảm điểm của thị trường chứng khoán gần đây cũng như tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu những tháng đầu năm.
Theo ông Đức, Nnhìn nhận lại suốt từ năm 2020 đến nay, chúng ta có thể thấy sự điều chỉnh rất mạnh. Quay ngược lại năm 2020, 2021, cần phải nhìn lại việc thị trường lên như vậy có hợp lý hay không
"Nếu coi thị trường chứng khoán là hàn thử biểu với nền kinh tế, thì tại sao năm 2020, 2021 khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm như thế mà chúng ta có sự tăng trưởng về index hết sức kỳ diệu. Khối lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng cực kỳ lớn có những phiên lên đến 50.000 tỷ đồng", ông nói.
Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital nhắc lại thị trường chứng khoán bị chi phối bởi hai quy luật, quy luật cung cầu và quy luật giá trị.
Thông thường khi nói đến thị trường chứng khoán là chúng ta tôn trọng quy luật giá trị. Giá trị của doanh nghiệp tăng thì cổ phiếu của doanh nghiệp đó cũng tăng tương ứng và phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Đức, năm 2020 và 2021, quy luật đó bị suy yếu, bị thay thế bởi quy luật cung cầu niều hơn.
"Trong giai đoạn COVID-19, khi các kênh đầu tư khó triển khai thì các hộ cá thể, các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư F0 cũng tìm kiếm nhu cầu tăng thêm thu nhập từ nguồn vốn nhàn rỗi của họ khi mà không có cơ hội nào để đầu tư. Họ đẩy vào thị trường chứng khoán và chúng ta có sự tăng trưởng vô cùng ngoạn mục.
Nguyên tắc lên vì cái gì thì xuống bằng cái đấy. Khi COVID-19 qua đi, các cơ hội đầu tư khác hé lộ, các nhà đầu tư đó có xu hướng rút ra và họ đã thỏa mãn với sự tăng trưởng quá mạnh mẽ của Index rồi. Họ không còn kỳ vọng thị trường sẽ lên 1.500, 1.800 điểm một cách dễ dàng như trước đây nữa. Họ rút ra và họ đầu tư vào các kênh khác mà họ nhìn thấy được tính kỳ vọng chắc chắn hơn. Tính kỳ vọng của thị trường chứng khoán trở nên mong manh hơn so với các kênh đầu tư khác. Các nhà đầu tư sẽ chuyển sang kênh đầu tư có khả năng đạt được kỳ vọng của họ dễ dàng hơn", ông Đức phân tích.
Nói thêm về tính tương đồng giữa hai thị trường trái phiếu và chứng khoán, ông Đức khẳng định hai thị trường này có liên thông với nhau và điểm tương đồng lớn nhất là cơ cấu nhà đầu tư.
"Đa phần các nhà đầu tư ở Việt Nam kể cả lĩnh vực cổ phiếu và trái phiếu đều là nhà đầu tư cá nhân. Họ ra quyết định rất mang tính tự tung tự tác, họ nghe theo tư vấn của các chuyên viên môi giới để mua trái phiếu, bên thị trường cổ phiếu cũng như vậy", đại diện VietinBank Capital chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Đức, cơ cấu nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đang quá thiên về nhà đầu tư cá nhân. Đây là điểm khó cho cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát dòng vốn đi đúng vào các cổ phiếu và trái phiếu tốt. Bởi theo ông, khi các nhà đầu tư cá nhân tham gia thì tính bầy đàn, tính dễ bị dẫn dụ bởi lợi tức, bởi những lời tư vấn mập mờ là rất dễ xảy ra.