|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lego: Khi những viên gạch nhiều sắc màu trở nên 'xanh' hơn

07:49 | 09/03/2020
Chia sẻ
Lego đã tuyên bố rằng những mảnh ghép đồ chơi, vốn là biểu tượng của hãng, sẽ được sản xuất 100% bằng các sản phẩm nhựa bền vững đến năm 2030.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng nhằm giảm thiểu các loại rác thải nhựa, nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch vẫn gặt hái được nhiều thành công rực rỡ, nhờ vào những chiến dịch vì môi trường đang được thực hiện rất quyết đoán.

Nếu đầu thế kỷ 20, nhựa được coi là một trong những phát minh mạnh mẽ làm thay đổi mọi khía cạnh cuộc sống con người thì giờ đây, cả thế giới lại đang phải loay hoay với việc phải “dọn dẹp” đi những “di sản” của phát minh ấy.

Tim Brooks, người đứng đầu mảng trách nhiệm với xã hội của Lego, nói với AFP rằng với những mảnh ghép có độ bền cao và có thể tái sử dụng qua nhiều thế hệ, Lego - cái tên được đặt theo tiếng Đan Mạch theo dạng ngắn gọn của từ "Leg Godt", hay là "Play Well" trong tiếng Anh - luôn đặt yếu tố bền vững làm phương châm hoạt động.

Một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thị trường NPD cho thấy số 47% người mua sắm trong dịp Giáng Sinh trên toàn thế giới đã chọn nói “Không” với đồ chơi không bền vững.

"Các nhà sản xuất đồ chơi đang thực sự nắm lấy tâm lý này. Có rất nhiều sự đổi mới trong cả bao bì và chất liệu sản xuất đồ chơi", Frederique Tutt, chuyên gia ngành đồ chơi tại NPD, nói với hãng AFP.

Trong khi đó, Lego có trụ sở tại thị trấn Billund phía Tây Đan Mạch, không có kế hoạch từ bỏ nhựa. Thay vào đó, hãng này nhắm tới việc cải thiện vật liệu mà họ sử dụng.

Hiện nay, hầu hết các mảnh ghép của Lego được làm từ acrylonitrile-butadiene-styrene (ABS), một là một loại nhựa nhiệt dẻo thông dụng thường dùng để làm ra các sản phẩm nhẹ, cứng, dễ uốn như ống, dụng cụ âm nhạc được sử dụng để sản xuất các thiết bị gia dụng.

Chuyên gia Brooks nói: "Chúng tôi muốn sử dụng nhựa một cách có trách nhiệm và đặc biệt là ứng dụng này phải có chất lượng cao, bền và có thể tái sử dụng. Đây là điều khẳng định những viên gạch mang thương hiệu Lego".

Tuy nhiên, thách thức kỹ thuật mà Lego đang phải đối mặt là làm sao để khách hàng không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa chất liệu nhựa cũ và chất liệu mới.

Các mảnh ghép mới phải có các tính chất vật lý giống như các mảnh cũ, đó là độ bền của chất liệu, độ bền của màu và khả năng bám dính, để duy trì khả năng tương thích với những mảnh ghép cũ.

Hiện tại, 2% số mảnh nhựa của Lego được làm bằng các vật liệu sinh học. Những mảnh này chủ yếu là cây, lá và bụi cây trong bộ dụng cụ và không phải đáp ứng các yêu cầu về độ bền giống như những viên gạch.

Trong những năm qua, Lego đã phát triển và cung cấp từ bộ dụng cụ gạch đơn giản cho đến những thiết kế phức tạp, chẳng hạn như Harry Potter hoặc bộ dụng cụ kiến trúc theo chủ đề, và đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ để thâm nhập vào các thị trường trò chơi video, ứng dụng, phim ảnh, phim hoạt hình và công viên giải trí.

Sự đa dạng này đã giúp hãng đồ chơi Đan Mạch phục hồi nhanh chóng sau khi trải qua những khó khăn về tài chính vào đầu những năm 2000. Năm 2019, doanh số của Lego đã tăng 6%.

Theo chuyên gia Brooks, các sản phẩm của Lego có tính tương thích rất cao, “bạn có thể mua một hộp đồ chơi vào hôm nay và lắp ghép chúng với những sản phẩm đã mua từ những năm 1950".

Lego ước tính rằng 96% số người dùng của hãng đã giữ lại bộ đồ chơi hoặc tặng lại cho một ai đó. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm của Lego và sản phẩm được làm từ nhựa sử dụng một lần.

Ngoài việc phát triển nhựa sinh học, Lego, công ty đang dẫn dắt một dự án ở Mỹ về cung cấp bộ dụng cụ cũ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đang đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nhựa tái chế.

"Vật liệu tái chế là một lĩnh vực rất thú vị nhưng bạn cần phải hiểu vật liệu đó đến từ đâu", chuyên gia Brooks nói.

Lego đã từ chối tiết lộ bí mật sản xuất của mình, nhưng nhấn mạnh rằng họ đang tái sử dụng các sản phẩm chất thải nhựa của chính mình trong sản xuất.

Năm 2014, Lego tuyên bố sẽ hợp tác với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) để cắt giảm lượng khí thải carbon. Lego cho biết hoạt động sản xuất của hãng chỉ dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo kể từ năm 2017.

Người đứng đầu WWF Đan Mạch, Bo Oksnebjerg, nói về những nỗ lực của Lego: "Họ đã chuyển sang sử dụng năng lượng gió nhiều hơn và giờ họ đang tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho nhựa".

Kirkby, công ty mẹ của Lego, trong khi đó đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào các trang trại điện gió. Ngoài ra, Lego cũng đang cải thiện bao bì của mình nhằm giảm số lượng túi nilông, đồng thời cắt giảm kích thước của các loại hộp để giảm khối lượng vận chuyển.

Lego đang hướng tới việc chỉ sử dụng vật liệu tái chế vào năm 2025. Dù vậy, ở một góc nhìn khắt khe hơn, Antidia Citores, phát ngôn viên của nhóm môi trường Surfrider Europe, nhấn mạnh rằng việc Lego chỉ thay thế chất liệu nhựa này bằng chất liệu nhựa khác sẽ không thể phát làm giảm khí thải.

Phương Nga