Lập kỷ lục 10 năm, quốc tế đồng loạt viết lại con số về Việt Nam
Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua liên tục đi lên và song hành với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Sau kỷ lục tăng trưởng kinh tế cao nhất 10 năm, với các nền tảng phát triển được thiết lập ổn định, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện... các tổ chức quốc tế đã đồng loạt thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đồng loạt thay đổi, điều chỉnh tăng dự báo
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo cập nhập tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó đề cập tới nhiều điểm tích cực cũng như triển vọng và giải pháp thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo WB, đà tăng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua được củng cố và song hành với sự ổn định kinh tế vĩ mô với nguồn tăng trưởng chủ yếu dựa vào nhu cầu trên quy mô toàn cầu đang ở chu kỳ tăng, đầu tư ở khu vực FDI và khu vực tư nhân hồi phục và quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn đang diễn ra.
Theo WB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay. Như vậy, dự báo lần này đã được điều chỉnh tăng cao hơn nhiều so với dự báo 6,5% trong báo cáo trước đó (cuối tháng 12/2017). GDP Việt Nam sẽ tăng ổn định ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, ở vào thời điểm mà sức cầu trên thế giới dự kiến sẽ chững lại.
Cũng theo WB, lạm phát 2018 sẽ ở mức xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ Việt Nam. Cân đối tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát.
Trong quý I/2018, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua: gần 7,4% nhờ môi trường bên ngoài thuận lợi với tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt đỉnh ở mức 3,1% trong năm 2018. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chững nhẹ xuống 6,3% trong năm nay.
Trước đó, nhiều tổ chức cũng đã đưa ra dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018. ANZ dự báo tăng trưởng GDP 2018 sẽ ổn định ở mức 6,8% và 7% trong năm 2019. Lạm phát 2018 ở mức 3,6% và 4,2% trong nawm 2019.
Còn theo báo cáo "Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á" do Oxford Economics soạn thảo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,6%. Trong khi ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá, vượt xa mọi kỳ vọng của Chính phủ, đạt 7,1% trong năm 2018, và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực nhờ được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô.
Bình luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 1,75-2%/năm, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), ông Sebastian Eckardt cho rằng không có gì đáng lo ngại vì điều này đã được dự đoán từ trước. Từ nay đến cuối năm có thể còn ít nhất một lần Fed tăng lãi suất nữa.
Chuyên gia WB cho rằng việc Fed tăng lãi suất thậm chí là tin tốt cho Việt Nam do xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp thuận lợi, dòng tiền chảy ra nước ngoài cũng sẽ không mạnh trước tác động của việc Fed tăng lãi suất.
Chớp cơ hội để đón điều kỳ diệu
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc kinh tế tăng trưởng đầy ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên.
Theo ông Ousmane Dione, một điều rất quan trọng là, giai đoạn kinh tế Việt Nam đang vận hành vững chắc này là cơ hội lớn để Chính phủ Việt Nam đầu tư cho nguồn nhân lực, nhờ đó giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng, điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện nay, với tăng trưởng cao và lạm phát thấp, là cơ hội đặc biệt để đẩy mạnh cải cách.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện tại có độ mở rất cao, do vậy, những ưu đãi truyền thống theo kiểu ưu đãi kịch trần và vượt khung có thể không tạo ra được những đột phá như trước đây.
Điều quan trọng theo ông Sebastian Eckardt vẫn là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao tính cạnh tranh để thu hút nguồn vốn vào các ngành công nghệ cao thời 4.0 để tạo sự bứt phá.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng cần song hành với những cải cách cơ cấu sâu và toàn diện, bao gồm cải cách các quy định để loại bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, đồng thời tiếp tục cải cách để nâng cao năng suất của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Về việc nâng cao tính cạnh tranh, theo đại diện WB, ưu tiên cải cách giảm chi phí thương mại là rất quan trọng bởi chi phí thương mại của Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với khu vực và đó là gánh nặng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Để giảm chi phí thương mại, cần phải giảm các chi phí liên quan tới việc tuân thủ kiểm tra chuyên ngành, chi phí tuân thủ hải quan, chi phí logistics… WB cũng khuyến nghị cần đặt ưu tiên hỗ trợ 3 bộ: Nông nghiệp, Công Thương và Y tế để giải quyết chi phí lớn nhất liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Ba bộ này chiếm 74% tổng số các biện pháp kiểm tra chuyên ngành.
Việc tạo ra môi trường kinh doanh tốt cũng sẽ góp phần cho Việt Nam bứt phá. Theo đánh giá của đại diện WB, kỳ vọng vào nội dung Nghị quyết 19 năm 2018 về cải cách là rất lớn.
Trong vài năm gần đây, từ 2014 đến 2017 nhờ những nghị quyết như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển động tốt hơn, với những cải thiện tương đối rõ.
Về mục tiêu tăng 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của WB, đại diện WB cho rằng chưa thể xác định vào thời điểm này bởi nó còn phụ thuộc vào những bước tiến bộ của các nước khác. Tuy nhiên, đại diện WB cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và sẽ tiếp tục tiến xa nhờ những nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19.
Đại diện WB đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam nhưng cũng khuyến cáo thắt chặt tiền tệ, thắt chặt lại thanh khoản ngân hàng, tái tạo lại bước đệm chính sách, qua đó giúp giảm cú sốc từ bên ngoài.