|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lao động giá rẻ chỉ còn lợi thế trong ngắn hạn

21:45 | 27/10/2016
Chia sẻ
Chi phí lao động tại Trung Quốc đã tăng rất cao trong thời gian qua và đây là cơ hội lớn cho các nước khu vực Mekong, trong đó có Việt Nam, để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Song, lao động giá rẻ chưa phải là tất cả trong quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Nằm trong khuôn khổ của hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF Mekong), phiên thảo luận “Các mô hình mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa khu vực Mekong” diễn ra ngày 25-10 tại Hà Nội đã có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và nhiều CEO của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực nhằm thảo luận về thách thức mà các nước trong khu vực Mekong đang đối mặt; đồng thời đưa ra các ý kiến, nhận định và giải pháp để thúc đẩy ngành sản xuất ở khu vực này.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, dù chi phí nhân công tại Trung Quốc đang tăng cao nhưng nước này lại có rất nhiều lợi thế như sức tiêu thụ thị trường nội địa lớn, cơ sở hạ tầng đồng bộ, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển... Trung Quốc cũng đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực tự động hóa và robot để tăng khả năng cạnh tranh. Do đó, dù chi phí nhân công gia tăng ở Trung Quốc thì liệu những lợi thế ở khu vực Mekong, trong đó có nhân công giá rẻ, có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài?

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho hay, chi phí lao động vẫn là một lợi thế của khu vực này trong ngắn hạn. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn bị hấp dẫn bởi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và các nước trong khu vực này đã ký kết như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế chung AEC, nhằm thúc đẩy giao thương, hưởng lợi từ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, trong dài hạn, các nhà đầu tư vẫn phải tính tới yếu tố năng suất lao động.

“Chi phí lao động thấp đồng nghĩa với năng suất lao động thấp. Nguồn vốn mà các nhà đầu tư bỏ ra càng nhiều thì họ càng kỳ vọng sẽ đầu tư vào nơi có nguồn lao động chất lượng cao”, ông Simon Matthews nói.

Báo cáo “Thiếu hụt nguồn nhân lực năm 2016” của ManpowerGroup cho thấy, riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tới 46% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Cũng theo nghiên cứu của Manpower, nhóm 10 công việc mà các nhà tuyển dụng châu Á gặp khó khăn bao gồm các vị trí về CNTT, đại diện bán hàng, kỹ sư, thợ lành nghề, tài chính-kế toán, nhân viên kỹ thuật, quản lý, giám đốc bán hàng, vận hành máy, và vị trí nghiên cứu. Tới năm 2020, 36% số lượng công việc sẽ yêu cầu kỹ năng cốt lõi của người lao động là khả năng giải quyết vấn đề phức tạp, 19% công việc đòi hỏi kỹ năng xã hội và 18% công việc cần kỹ năng xử lý.

Một báo cáo khác của Forbes nhận định khoảng 65% trẻ em bắt đầu đi học từ năm nay trong tương lai sẽ làm những công việc chưa hề xuất hiện tại thời điểm này do sự phát triển vượt bậc của công nghệ.

Do đó, để cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút FDI, các nước khu vực Mekong nên tạo ra điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khu vực này không chỉ nên đầu tư vào sản xuất, cơ sở hạ tầng mà còn phải đầu tư mạnh cho con người thông qua giáo dục.

“Cần dựa trên thực trạng xã hội, mục tiêu kinh tế để xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp. Tôi cho rằng việc phát triển các kỹ năng mềm, trong đó kỹ năng ngôn ngữ, khả năng tư duy phân tích, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế,… cần được thúc đẩy nhiều hơn nữa trong các chương trình học”, đại diện Manpower cho hay.

Bên cạnh đó, cần đi kèm thêm công tác hướng nghiệp, tăng cường thực hành. Thực tế cho thấy, trung bình, một sinh viên kết nối với 4 doanh nghiệp trở lên khi còn ngồi ghế nhà trường sẽ có cơ hội được nhận việc làm sau tốt nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp tới 5 lần so với thông thường.

Trúc Diễm

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.