|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãnh đạo Techcombank nói gì về đột biến thanh khoản của TCB?

18:44 | 30/10/2020
Chia sẻ
Theo Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank, diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua có thể là tín hiệu đáng mừng. Điều này thể hiện TCB có tính thanh khoản cao và được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trong những ngày qua, cổ phiếu TCB của Techcombank xuất hiện nhiều diễn biến đáng chú ý về giá và thanh khoản.

Theo đó, chỉ tính riêng tháng 10 đã có tổng cộng gần 554,3 triệu cổ phiếu TCB được trao tay giữa các nhà đầu tư với giá trị giao dịch đạt gần 12.725 tỉ đồng (tương đương gần 25,2 triệu cp/ngày). Đỉnh điểm, trong ngày 14/10, gần 75 triệu cổ phiếu TCB được giao dịch với giá trị đạt gần 1.704 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ khi lên niêm yết tại HOSE.

Cùng với mức thanh khoản kỉ lục, thị giá của TCB cũng liên tục biến động. Cụ thể, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, thị giá TCB đã giảm sâu trong 5 ngày giao dịch vừa qua với tổng mức giảm 11%. 

Đóng cửa ngày giao dịch 30/10, thị giá TCB dừng ở 21.350 đồng/cp, giảm 9% so với cuối năm 2019 nhưng vẫn tăng gần 18% so với cuối tháng 7.

Lãnh đạo Techcombank nó gì về đột biến thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu TCB kể từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VnDirect).

Chia sẻ về diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank, cho rằng đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng.

"Chúng ta luôn mong muốn cổ phiếu TCB có tính thanh khoản cao và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Do vậy, đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng", Ông Hưng cho biết.

Trả lời câu hỏi cổ đông về nguyên nhân ngân hàng sở hữu các chỉ số tài chính đứng đầu ngành nhưng định giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp, lãnh đạo Techcombank cho rằng giá cổ phiếu là do thị trường quyết định.

Theo ông Hưng, cổ phiếu một ngân hàng sẽ được thị trường định giá cao khi sở hữu mức tăng trưởng ổn định trong dài hạn chứ không chỉ 1 – 2 năm. Do vậy, ban lãnh đạo sẽ tập trung phát triển ngân hàng theo hướng tăng trưởng bền vững. Khi đó, thị trường sẽ ghi nhận và giá trị thực sự của Techcombank sẽ được phản ánh đầy đủ và đúng đắn hơn.

Nói về kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế, ông Hưng cho biết đó chắc chắn là một lựa chọn và Techcombank sẽ cân nhắc phương án này vào thời điểm phù hợp. 

"Khi việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế tốt cho cả ngân hàng và cổ đông, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ thực hiện xin ý kiến", ông Hưng cho biết.

Lãnh đạo Techcombank nó gì về đột biến thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank.

Về kết quả kinh doanh của Techcombank, lũy kế 9 tháng đầu, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt gần 10.700 tỉ đồng, tăng 20,9% so với cùng kì năm 2019, tương đương 82,4% kế hoạch mà Đại hội cổ đông đã thông qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.600 tỉ đồng, tăng 20,6%. Tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng gần nhất đạt 3,0%.

Đến cuối quí III, tổng tài sản ngân hàng ở mức gần 401.500 tỉ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm 30/9/2019 và tăng 4,6% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng là 279.400 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kì năm trước và 8,3% so với cuối năm 2019.

Tiền gửi khách hàng tại 30/9/2020 đạt 252.600 tỉ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm 30/9/2019. Tiền gửi không kì hạn (CASA) tăng 22,2% so với thời điểm cuối năm 2019, ở mức 97.500 tỉ đồng. Trong khi đó, tiền gửi có kì hạn đạt 155.100 tỉ, tăng 2,4%. Nhờ đó, tỉ lệ CASA vào cuối quí III/2020 đạt 38,6%, cao hơn mức 34,5% cuối năm 2019.

Theo lãnh đạo Techcombank, lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhờ nền tảng đã xây dựng từ nhiều năm trước như miễn phí dịch vụ ngân hàng số, dịch chuyển tài sản sang phân khúc khách hàng chất lượng cao và có hiệu suất sinh lời tốt.

"Trong bố cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, Techcombank hoàn toàn tin tưởng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận 2020 và tiếp tục tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm tới", lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Đối với các hệ số an toàn vốn, tỉ lệ cho vay trên tổng tiền gửi và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của ngân hàng lần lượt đạt 71,9% và 31,1%, tốt hơn đáng kể so với cuối năm 2019.

Tại thời điểm 30/9/2020, tỉ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,6%, thấp hơn mức 0,9% tại 30/6/2020 và 1,8% tại 30/09/2019. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu là 148% so với mức 108,6% tại 30/6/2020 và 77,1% tại 30/9/2019.

Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) vào cuối quí III theo Basel II đạt 16,7%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II (8%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm cuối năm 2019.

"Điều này thể hiện bề dày vốn của Techcombank, cho phép ngân hàng tăng trưởng cao khi nền kinh tế chuyển biến thuận lợi và đảm bảo an toàn cho tài sản của cổ đông", ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank chia sẻ.

Quốc Thụy