|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãnh đạo HĐND Gia Lai bị tố 'can thiệp' án trăm tỉ: Vì sao án sơ thẩm bị hủy?

08:05 | 15/06/2020
Chia sẻ
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai Đặng Phan Chung ký công văn số 537 gửi lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị “báo cáo quan điểm giải quyết” vụ án doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (địa chỉ TP Pleiku, Gia Lai) khởi kiện yêu cầu một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai bồi thường khoảng 117 tỉ đồng. Sau đó, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên hủy án sơ thẩm.

Ông Chung đang là tâm điểm chú ý của người dân, giới quan chức ở Gia Lai trong thời gian này. Liên quan  dấu hiệu “can thiệp” án trăm tỷ đồng này, mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kiểm tra việc giải quyết đơn tố cáo và xem xét việc thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với ông Đặng Phan Chung. Bởi thời điểm ông Chung bị doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã vào cuộc giải quyết và “đa số thống nhất không kỉ luật”.

 Kì lạ án trăm tỉ đồng

Sự việc bắt đầu vào năm 2015, khi doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (địa chỉ ở TP Pleiku, Gia Lai) ký hợp đồng thế chấp 20 nghìn tấn sắn lát khô cho một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai để vay vốn kinh doanh. Tháng 3/2016, kho hàng bị cháy toàn bộ, thiệt hại ước tính hơn 105 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi nhiều lần yêu cầu phía ngân hàng phối hợp giải quyết hoặc bồi thường thiệt hại nhưng không được nên đã khởi kiện vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản” khoảng 117 tỷ đồng (hàng hóa, nhà kho, tiền lãi) ra TAND TP Pleiku. Ngày 3/4/2018, TAND thành phố Pleiku xét xử sơ thẩm vụ án trên (buộc phía ngân hàng bồi thường cho doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi hơn 115 tỷ đồng). Không chấp nhận án sơ thẩm, phía ngân hàng kháng cáo.

15 ngày sau, ông Đặng Phan Chung (Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai) ký văn bản (số 537) gửi lãnh đạo TAND tỉnh Gia Lai về việc yêu cầu cung cấp hồ sơ, đề nghị “Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo TAND TP Pleiku báo cáo về quan điểm giải quyết vụ án, yêu cầu ông Ngô Thanh Quảng (thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm trong vụ án trên tại TAND TP Pleiku) viết bản giải trình”.

Từ đây, cục diện bản án thay đổi hoàn toàn, ngày 29/8/2018, TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên hủy án sơ thẩm (ngày 3/4/2018 của TAND TP Pleiku), chuyển hồ sơ cho TAND TP Pleiku giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

“Đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, gia đình tôi mất quá nhiều thời gian, tiền bạc của cho vụ việc này. Trước đây, có thời điểm doanh nghiệp của tôi đứng đầu về thu mua nông sản cho người dân trong tỉnh, tạo công ăn  việc làm cho hàng nghìn công nhân nhưng từ khi dính vụ việc này chẳng ai còn tâm trí để làm nữa. Doanh nghiệp của tôi giờ không hoạt động”, đại diện doanh nghiệp Phú Lợi nói.

Hủy án sơ thẩm có đúng ?

Ngày 14/6, ông Ngô Thanh Quảng (thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm  vụ án trên tại TAND TP Pleiku) đã có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong quanh việc hủy án sơ thẩm trên của TAND tỉnh Gia Lai.

Ông Quảng cho biết, việc TAND tỉnh Gia Lai tuyên hủy án sơ thẩm là không thuyết phục. Ông Quảng phân tích, bản án phúc thẩm không đề cập đến thỏa thuận của các bên là “Hợp đồng thế chấp tài sản” và việc thực hiện thỏa thuận đó như thế nào để xác định yếu tố lỗi, thay vào đó đặt câu hỏi “tại sao có bột sắn tích tụ, bị ẩm mốc trong kho?; bột sắn tích tụ từ lúc nào?...”. Trong khi, Công an tỉnh Gia Lai đã kết luận không khởi tố vụ án hình sự vì kho hàng “tự cháy” và không có dấu hiệu phạm tội xảy ra.

Theo ông Quảng, tranh chấp trong vụ án này được điều chỉnh bởi quy định và được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự, trong khi đó Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng “tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ Luật tố tụng dân sự. 

Việc xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp dẫn đến việc áp dụng không đầy đủ pháp luật về nội dung trong quá trình giải quyết vụ án” để hủy bản án sơ thẩm. Như vậy, phiên phúc thẩm đã xác định sai quan hệ pháp luật và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Lãnh đạo HĐND Gia Lai bị tố 'can thiệp' án trăm tỉ: Vì sao án sơ thẩm bị hủy? - Ảnh 1.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Phan Chung nói “không có chuyện can thiệp” vào xét xử vụ việc trên, bởi văn bản (số 537) chỉ yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai báo cáo, thực hiện quyền “đại biểu của dân”. 

Ông này cũng cho rằng, cố gắng kiểm soát việc xét xử đúng, theo quy định của pháp luật. Trong khi đó ông Ngô Thanh Quảng khẳng định, việc ông Đặng Phan Chung gửi văn bản (số 537) là can thiệp rõ ràng; động cơ việc yêu cầu báo cáo đó không trong sáng. 

Theo ông Quảng, HĐND tỉnh Gia Lai có thẩm quyền giám sát hoạt động của TAND, nhưng phải thực hiện theo chương trình giám sát hằng năm, hoạt động giám sát được thực hiện đối với các báo cáo công tác của tòa án, hoặc giám sát theo chuyên đề.

Tiền Lê