Làng nhang Sài Gòn vào vụ Tết
Cận Tết, ven các tuyến đường ở xã Lê Minh Xuân tràn ngập sắc vàng, đỏ và mùi hương quế, hương trầm của những bó nhang phơi lộ thiên.
Tại đây, hơn 350 hộ sản xuất nhang đang hoạt động hết công suất để cung ứng cho thị trường từ Nam ra Bắc.
"Nghề làm nhang ở đây có tuổi đời gần 100 năm và làm quanh năm, nhưng tất bật nhất có lẽ là dịp cận Tết, rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch", ông Trương Hữu Thanh (60 tuổi) có hơn 40 năm gắn bó với nghề nói, trong lúc chọn và lọc bột cưa, công đoạn đầu tiên để làm nhang.
Trong nhà xưởng, bà Thạch Soi (42 tuổi, quê Trà Vinh) cùng các công nhân kết bột hương vào tăm tre bằng máy. Trước đây công đoạn này làm bằng tay song gần đây các cơ sở đều đầu tư máy để nâng cao năng suất.
Bà Soi cho biết, công việc thường bắt đầu từ 4h và kết thúc lúc 21h. Công nhân ở đây làm nhận lương theo sản phẩm, thu nhập trung bình mỗi ngày từ 200.000 đến 250.000 đồng.
Ngoài xưởng, em Trương Thanh Thủy (14 tuổi) phơi các tăm nhang sau khi được nhuộm màu. "Khoảng tiếng phơi dưới nắng, khi màu đã ráo và thấm vào chân tăm thì em mang vào để các cô tiến hành xe nhang", Thủy nói.
Nhang sau khi được xe xong sẽ được người thợ đưa ra ngoài để phơi. "Vào mùa nắng việc sản xuất nhang nhiều gấp đôi hơn so với mùa mưa vì thời tiết thuận lợi", một chủ xưởng sản xuất nhang cho biết.
Bà Soi đội nón lá rải từng que nhang để phơi. Cũng theo bà Soi, muốn nhang có mùi thơm tự nhiên, sau khi xe xong, phải đem ra phơi liền. Nếu sấy bằng lửa, nhang sẽ mất mùi thơm.
Bà Trần Thị Nở (68 tuổi) bó nhang thành phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ. "Một ngày, tôi bó 400 - 500 bó, mỗi bó được chủ xưởng trả 500 đồng, tính ra bình quân mỗi ngày tôi kiếm được hơn 200.000 đồng", bà Nở cho biết.
Vài năm gần đây, nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người già trong xã như bà Nở.
Hàng tấn nhang thành phẩm tại một nhà xưởng chờ tiêu thụ. Tuỳ từng loại nhang mà giá bán cũng khác nhau, bình quân một thiên nhang (1.000 cây một bó) bán với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng. "Gần Tết, giá bán được hơn nên mọi người dân ở đây đều tranh thủ làm thêm để kiếm thêm thu nhập", bà Nguyễn Cát Vũ Thúy, chủ cở làm nhang lớn nhất nhì trong xã nói.
Nhang được vận chuyển bằng xe ba gác để bỏ mối cho các thương lái tại TP HCM sau đó đưa đi tiêu thụ ở các khắp tỉnh trong Nam, ngoài Bắc.