Làng nghề bánh tráng hối hả sản xuất cung ứng cho Tết
Làng nghề bánh tráng Hậu Thành có trên 40 hộ gia đình tham gia tráng bánh, chủ yếu là làm bánh thủ công, chỉ có 1 cơ sở sản xuất bánh bằng dây chuyền máy móc do Trung tâm khuyến công tỉnh Tiền Giang hỗ trợ vốn trên 200 triệu đồng.
Theo những hộ tráng bánh nơi đây, công việc tráng bánh diễn ra quanh năm, ngày thường thì trung bình sản xuất từ 20 - 30kg gạo, vào những giáp tết, do nhu cầu khách hàng đặt bánh nhiều hơn nên sản lượng bánh tăng lên gấp đôi từ 50 - 60kg gạo.
Tại ấp Hậu Thuận, nhân công của lò bánh của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Yến đang hối hả lao động khẩn trương trong những ngày cận Tết. Ngoài hiên bếp, củi lửa đã sẵn sàng, hơi nóng trong lò cũng đã bốc lên, chị Yến thoăn thoắt đổ bột vào khuôn; chỉ trong lát, chiếc bánh đầu tiên cũng đã ra lò trong làng khói thơm ngát mùi bột nếp hòa lẫn mùi thơm nước cốt dừa.
Chưa đầy 5 phút, vỉ bánh đầu tiên đã hoàn tất, chị Yến thoăn thoắt đem vỉ ra sân phơi rồi vào làm tiếp mẻ bánh tiếp theo. Vừa nâng niu chiếc bánh đặt lên vỉ để phơi, chị Yến vừa nói: “Bánh năm nay giá cũng khấm khá, khoảng 650 nghìn đồng/100 bánh”.
Chị Yến cho biết nghề tráng bánh này cha truyền con nối, chính nghề này đã nuôi sống cả gia đình trong suốt nhiều năm qua. Vì đây là nghề chính nên lò bánh của chị hoạt động quanh năm, trừ chi phí gia đình còn lãi 500.000 đồng/ngày đủ lo cơm nước.
Để kịp giao bánh cho khách hàng, hàng ngày người thợ tráng bánh bắt đầu công việc từ 1-2 giờ sáng chuẩn bị bột, đun bếp tráng bánh đến sáng. Mỗi kg gạo sẽ cho ra 1kg bánh tráng thành phẩm, với mức giá dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg bánh.
Chị Yến tâm sự: “Những chiếc bánh tạo ra dù nhỏ thế nhưng vất vả lắm. Những ngày cận Tết, khi mà nguồn đơn đặt hàng tăng cao, phải làm suốt ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng khi nghe khách ăn khen ngon là mệt mỏi hầu như bị xua tan”.
Còn đối với ông Huỳnh Văn Cuội, ấp ấp Hậu Thuận, nghề làm bánh tráng đã gắn bó với gia đình trong suốt 32 năm qua. Chính nghề làm bánh tráng đã giúp vợ chồng ông nuôi nấng các con khôn lớn, phát triển kinh tế gia đình khấm khá hơn.
Ông Cuội cho biết, mới đầu mùa thôi mà đơn đặt hàng đã nườm nượp rồi. Mặc dù, thích lắm nhưng ông không dám nhận nhiều vì sợ làm không xuể vì chỉ có 2 vợ chồng làm. Mỗi ngày làm được 1 bao gạo cho ra lò khoảng 50 kg bánh.
Để tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi người làm nghề phải thật sự khéo tay và tinh tế đến từng chi tiết.
Theo những người có thâm niên nghề bánh trong làng thì bí quyết làm nên thành công một chiếc bánh là lượng bột phải chuẩn xác, được cân, đong một cách vừa phải, không quá ít thế nhưng cũng không quá nhiều.
Bột được đong bằng một cái gáo nhỏ cộng thêm một gáo nước bột sau đó trải đều lên tấm vải mùng được quấn trên miệng nồi. Bột được tán ra đều tay, động tác phải nhanh, chuẩn và chính xác. Bánh được hấp bằng hơi nước tầm khoảng 1 phút là chín. Bánh sau khi tráng xong được xếp đều trên vỉ đem phơi nắng.
Để bánh đảm bảo độ giòn và không bị bể thì người phơi phải canh thời gian. Nếu nắng đẹp thì chỉ phơi khoảng 30 phút là bánh đã khô, nếu phơi quá khô thì bánh trở nên giòn, dễ bị vỡ.
Theo anh Phạm Phương Bình, cán bộ xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, làng nghề bánh tráng xã Hậu Thành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2003.
Làng nghề có trên 40 hộ gia đình sản xuất bánh ở ấp Hậu Hòa và Hậu Thuận. Bánh tráng Hậu Thành có 2 loại, thứ nhất là bánh tráng dừa làm từ gạo, mè và nước cốt dừa, nướng bằng lửa than trước khi ăn; loại thứ hai là bánh tráng trắng để phục vụ cho các bữa ăn dân dã như cuốn với cá, thịt và rau sống… để làm các món gỏi cuốn.
Ông Trần Hữu Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, bánh tráng Hậu Thành được người dùng ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn, đều, thơm, đặc biệt là rất đều, trăm bánh như một.
Dịp Tết này thì người dân trong xã rất tất bật sản xuất bánh tráng để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Làng nghề này cung ứng cho các thương lái ở các nơi khác đến cũng như bán lẻ cho một số người dân ở địa phương khác đến mua về phục vụ cho các món ăn các ngày Tết. Hiện nay, làng nghề bánh tráng Hậu Thành đang phát triển trong dịp Tết góp phần giúp địa phương thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo.