|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng thâu tóm doanh nghiệp trong khủng hoảng COVID-19

06:43 | 09/05/2020
Chia sẻ
Hãng tin BBC cho biết xuất phát từ góc độ an ninh quốc gia, các chính phủ như Đức, Ấn Độ… đã đưa ra biện pháp ngăn chặn nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trong khủng hoảng.
Làn sóng thâu tóm doanh nghiệp trong khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 1.

Thương hiệu xe ô tô. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hoành khắp thế giới, gây xáo trộn trên thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế lớn. Giá cổ phiếu lao dốc, định giá doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Cùng với áp lực từ việc thực hiện lệnh phong tỏa, doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền và đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Đức và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho rằng do độ mở của thị trường Trung Quốc không tương đồng với EU, nên việc ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp trong các lĩnh vực mang tính chiến lược là chính đáng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng mua bán - sáp nhập (M&A) là hành động của doanh nghiệp, hơn nữa còn cứu công ty bị thâu tóm khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng, các bên đều có lợi.

Ngày 8/4/2020, Chính phủ Đức tuyên bố siết chặt chính sách M&A doanh nghiệp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước hành vi “thâu tóm gây hại” bởi các nhà đầu tư ngoài EU.

Hành vi “thâu tóm gây hại” là hành vi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp từ một nước ngoài EU có thể gây hại tới hệ thống công cộng hoặc an ninh, các thương vụ này cần được thẩm tra. Trước đó, Đức quy định chỉ tiến hành thẩm tra khi hành vi mua bán, sáp nhập đã gây ra “nguy hiểm thực tế”.

Cùng với quy định trên, Bộ Kinh tế Đức lên kế hoạch áp dụng thêm một số biện pháp như yêu cầu các doanh nghiệp phải tiết lộ tất cả các hoạt động mua bán cổ phần từ 10% trở lên trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, người máy, vật liệu bán dẫn, công nghệ sinh học và công nghệ lượng tử…, đồng thời phải cho phép chính quyền thẩm tra hoạt động mua bán này. Trước đây, Đức chỉ yêu cầu thẩm tra hoạt động đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, nước, điện tín và quốc phòng.

Thực tế cho thấy Trung Quốc chiếm vị trí nổi bật trong số các quốc gia ngoài EU tiến hành thâu tóm doanh nghiệp Đức. Do đại dịch COVID-19, ngành xe hơi Đức rơi vào tình trạng rất khó khăn về kinh doanh.

Có cơ quan truyền thông sở tại cho rằng do tác động của dịch bệnh, hãng xe Daimler AG nổi tiếng của Đức rất có thể sẽ bị doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm. Daimler AG hiện có hai cổ đông Trung Quốc là Geely và BAIC, tới cuối năm 2019, nắm giữ tổng cộng 14,7% cổ phần của Daimler AG.

Thật trùng hợp, Ấn Độ cũng đưa ra các biện pháp khẩn cấp sau khi dịch bệnh bùng phát. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước có chung biên giới với Ấn Độ đòi hỏi phải có sự chấp thuận trước của chính phủ để ngăn chặn hoạt động M&A mang tính đầu cơ trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn.

Động thái này cũng được coi là nhằm vào Trung Quốc, bởi vì trong số các quốc gia láng giềng, FDI vào Ấn Độ từ Trung Quốc là nhiều nhất. Các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc như SAIC Motor, Great Wall Motors hay các tập đoàn khác như Alibaba, Tencent, Xiaomi… đều đầu tư rất lớn ở Ấn Độ.

Trong EU, ngoài Đức còn có không ít quốc gia ngày càng cảnh giác với dòng vốn Trung Quốc. Gần đây, nghị sỹ David Davis của Anh cảnh báo Chính phủ Anh cần tìm kiếm các cơ chế tránh để nền tảng công nghệ sản xuất chip GPU của Imagination Technologies rơi vào tay Trung Quốc, bao gồm việc tìm kiếm nhà đầu tư phương Tây cho hãng này.

Năm 2017, Imagination Technologies đã bị thâu tóm bởi Canyon Bridge, một công ty đầu tư được hỗ trợ bởi Tập đoàn Đổi mới Trung Quốc (CRHC).

Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager công khai kiến nghị chính phủ các nước thành viên EU nên mua vào một cách thích đáng cổ phần doanh nghiệp châu Âu nhằm tránh bị dòng vốn Trung Quốc thâu tóm trong bối cảnh nhiều công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo BBC, việc các nước châu Âu ngăn chặn sự thâu tóm của dòng vốn Trung Quốc một mặt cho thấy cân nhắc về an quốc gia, mặt khác xuất phát từ lo lắng cạnh tranh “bất bình đẳng”.

Có quan chức Đức nói rằng Trung Quốc một mặt mua các công nghệ then chốt để phục vụ chiến lược, mặt khác lại đưa ra các quy định để tránh không cho các công ty Trung Quốc bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Đức không nên chấp nhận đầu tư kiểu “đường một chiều” như vậy.

Giáo sư Lê Lân Tường, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế thuộc Đại học Công nghệ Hong Kong chỉ rõ để xác định một trò chơi có công bằng hay không phụ thuộc vào việc việc Trung Quốc và EU có giám sát quản lý các nỗ lực M&A theo cùng một cách hay không.

Giả sử rằng một số doanh nghiệp chiến lược của Trung Quốc gặp vấn đề về tài chính, Chính phủ Trung Quốc có cho phép doanh nghiệp EU mua lại chúng hay không?

Hàng rào mà hai bên dựng lên có đối xứng không? Nếu hàng rào đối với đầu tư và mua bán, sáp nhập mà Trung Quốc dựng lên cao hơn EU thì đó chính là môi trường cạnh tranh không bình đẳng và EU có lý do để bất mãn.

Phó Giáo sư Sầm Lĩnh thuộc Khoa tài chính, trường Kinh doanh, đại học Trung văn Hong Kong cũng cho rằng bất kỳ hoạt động mua bán và sáp nhập nào cũng phải chịu sự kiểm soát của quy định pháp luật ở nước liên quan.

Ví dụ ở Mỹ, gần 50% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có quy định các loại về việc chống thâu tóm. Tất cả các vụ M&A đều phải chịu sự thẩm tra chống độc quyền của Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ.

Trước khi hoàn thành thương vụ M&A thì chính quyền bang hoặc chính phủ liên bang vẫn có thể sử dụng sắc lệnh hành chính để ngăn chặn bất cứ giao dịch nào có thể gây nguy hại tới an ninh quốc gia.

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Đức cho biết việc tập đoàn KUKA AG bị Trung Quốc thâu tóm đã gióng lên tiếng chuông báo động với Đức, cho thấy rõ sự cần thiết phải bảo vệ những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược. Hoạt động M&A của doanh nghiệp Trung Quốc sau đó nhiều lần gặp trở ngại.

Năm 2018, Tập đoàn Điện lưới quốc gia Trung Quốc (SGCC) dự định mua một phần cổ phần của hãng vận hành hệ thống truyền tải điện 50 Hertz của Đức. Nhằm ngăn chặn thương vụ này, Chính phủ Đức đã tìm nhà đầu tư trong EU, nhưng không có kết quả đành phải để ngân hàng KFW của Đức rót vốn mới ngăn chặn được ý định của phía Trung Quốc.

Những tiếng nói phản bác ở Trung Quốc cho rằng rất nhiều thương vụ M&A là do doanh nghiệp tư nhân tiến hành, phù hợp với quy định của thị trường, đặc biệt là với việc mời thầu M&A. Một số doanh nghiệp gần như không thể tiếp tục hoạt động trong khủng hoảng, nhưng nhờ có vốn và thị trường của Trung Quốc lại có thể hồi sinh.

Một trong những ví dụ là năm 2010, hãng xe hơi Geely bỏ ra 1,8 tỷ USD mua hãng Volvo. Trong 9 năm qua, lượng xe của Volvo tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc đã tăng đáng kể.

Hà Ngọc

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.