Làn sóng Fintech - cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính Việt Nam
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kết hợp với Báo điện tử VnExpress và CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam tổ chức Diễn đàn thanh toán điện tử (VEPF). Nhiều vấn đề được đặt ra tại hội nghị, trong đó đề cập tới những cơ hội và thách thức của hệ thống ngân hàng trước làn sóng Fintech.
Nói về Fintech, đây là từ dùng để chỉ các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Theo ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, làn sóng Fintech đang phát triển như vũ bão và tốc độ phát triển của nó sẽ nhanh như internet.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, các nhà đầu tư trên thế giới cũng rất quan tâm tới Fintech. Hiện, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho Fintech đang là 80 tỷ đồng và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Fintech và ngân hàng - mối quan hệ cộng hưởng
Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN - Bùi Quang Tiên cho rằng công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong phát triên toàn cầu và NHNN cũng đang dẫn thay thế các dịch vụ truyền thống bằng các giải pháp công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Sơn cho biết, Fintech tại Việt Nam sẽ khó phát triển mạnh như Anh và Thụy Điển do hiện tại độ phổ cập của ngân hàng đang khá thấp.
"Hiện dân số tiếp cận dịch vụ ngân hàng tương đối thấp, chỉ ở mức 30%, đặc biệt ở khu vực nông thôn 16%. Bên cạnh đó, người dân còn khá e dè về bảo mật thông tin khi áp dụng các hình thức thanh toán điện tử", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, ưu điểm của fintech nằm việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về những lĩnh vực có quy mô vốn nhỏ và rủi ro thấp như cho vay tiêu dùng, thanh toán trực tuyến hay quản lý tài sản. Mặt khác, Fintech lại hạn chế trong việc tiếp cận đến các dịch vụ truyền thống của ngân hàng như cho vay mua nhà, cho vay doanh nghiệp lớn.
Ngược lại, ngành ngân hàng lại có thế mạnh về nguồn vốn, về thông tin khách hàng và tuân thủ tốt hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng nói riêng và ngân hàng nói chung. Vì vậy, ông Sơn nhận định rằng, mối quan hệ giữa ngân hàng và fintech là mối quan hệ cộng hưởng và hợp lực.
Ông Nguyễn Hòa Bình – chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NextTech, một trong những công ty đầu tiên về Fintech tại Việt Nam cho biết hiện nay, khó thấy ứng dụng nào không dùng tới công nghệ thông tin và ngành ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc.
Dẫn lời của Bill Gate :“Dịch vụ tài chính là thiết yếu, nhưng không nhất thiết cần đến sự tồn tại của các ngân hàng”, ông Bình nhận định rằng các mô hình truyền thống với các rằng buộc pháp lý khiến nhiều người dân khó tiếp cận, trong khi, việc phổ cập các dịch vụ này tới số đông lại là lĩnh vực mà Fintech hướng tới. Do đó, xu hướng công nghệ thông tin và Fintech là không thể đảo ngược.
Bên cạnh đó, giá trị mà công nghệ mang lại cho nền kinh tế là rất lớn. Trong 10 năm trở lại đây, 5 doanh nghiệp đứng đầu thị trường chứng khoán toàn cầu đã có sự dịch chuyển từ các doanh nghiệp khai khoáng sang các doanh nghiệp công nghệ.
Ông Bình cho rằng chỉ cần 3 - 5 năm để một công nghệ mới đe dọa các ngành truyền thống. Ông cũng đưa ra ví dụ về sự thay đổi của việc sử dụng ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã giúp cho Uber hay Grab cạnh tranh ở thị phần dịch vụ di chuyển ngành nghề vốn tưởng như đã bão hòa.
Ông Bình cũng chỉ ra rằng, tiền ảo bitcoin, ví điện tử và các dịch vụ như P2P Transfer, hay Lending club chính là những ví dụ cho thấy nếu các ngân hàng không cho phép các dịch vụ này phát triển, nhiều doanh nghiệp Fintech sẽ “phá rào” để gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Bình, Fintech không chỉ thuần túy mang đến nguy cơ và thách thức cho hệ thống ngân hàng mà còn mang đến nguồn lực mới cho sự phát triển của mọi ngành như giúp quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động, mang lại nhiều khách hàng như chuyển tiền nội địa qua ví điện tử, thanh toán trực tuyến hay cho vay tiêu dùng.
Do đó, ông Bình nói, thay vì "bế quan tỏa cảng", coi Fintech là đối thủ và hạn chế sức phát triển của Fintech trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng nên cởi mở hơn với các công ty này. Việc kết hợp cùng với nhau, Fintech và ngân hàng sẽ bổ sung cho nhau nhiều hơn.
Cần sự tham gia của Chính phủ
Ông Nguyễn Hòa Bình nhận xét Ngân hàng Nhà nước đã có hỗ trợ rất tốt về pháp lý cho Fintech trong 5 năm qua. Ông hy vọng cơ quan này sẽ tiếp tục phát huy và cởi mở hơn nữa bằng việc cho thí điểm những Fintech như một số nước trên thế giới để tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành phát triển mạnh.
Ông Bình cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần khuyến khích thí điểm thử nghiệm các dịch vụ công nghệ mới trên thế giới vào các dịch vụ tài chính. Đồng thời, ông Bình nhấn mạnh việc nghiên cứu mô hình Chính phủ kiến tạo như Chính phủ Mỹ đã làm, thông qua việc mở các giao diện dữ liệu quốc gia, cho phép các doanh nghiệp Fintech khai thác dữ liệu trong phạm vi cho phép.
Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, hiện có rất nhiều lĩnh vực mà các doanh nghiệp Fintech có thể làm mà không cần qua quy định của pháp luật. Tuy nhiên ông cũng không khuyến khích các doanh nghiệp này phát triển tự phát khi chưa có hành lang pháp lý chi tiết cho lĩnh vực này.
Đồng thời, ông Ngoạn cũng đề xuất việc các doanh nghiệp Fintech chủ động đề xuất với Chính phủ để cơ quan này nắm được chi tiết hơn nhu cầu của thị trường và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.