|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làn sóng đầu tư FDI mới đang bắt đầu nhìn từ chuyến thăm của Chủ tịch Nvidia?

15:54 | 14/12/2023
Chia sẻ
Năm 2023 được kỳ vọng trở thành một cú hích thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam các năm tiếp theo. Kể từ đầu năm đến nay, hàng loạt tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới đã đẩy mạnh các động thái đầu tư vào Việt Nam.

Tuyên bố tại chuyến thăm Việt Nam cách đây ít ngày, ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia, cho biết sẽ xây dựng cứ điểm của tập đoàn tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài. Nvidia hiện là một trong 5 công ty Mỹ có giá trị vượt quá 1.000 tỷ USD, gồm: Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Nvidia.

Từng có những tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam khảo sát như Nvidia và khi họ quyết định đầu tư sẽ tạo ra một làn sóng FDI vào Việt Nam.

Những ông lớn FDI và dấu ấn tại Việt Nam

Năm 1996 đánh dấu giai đoạn hàng loạt "ông lớn" đổ bộ vào Việt Nam. Bắt đầu vào Việt Nam chỉ với một liên doanh quy mô nhỏ, sau một năm đến 1997, Samsung thực hiện dự án với vốn đầu tư 650 triệu USD để sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng.

Cũng gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 1996, Honda Việt Nam là liên doanh của ba đối tác gồm Honda Motor nắm giữ 42% cổ phần; Asian Honda Motor nắm giữ 28% cổ phần và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) nắm giữ 30% cổ phần.

Sau 27 năm có mặt ở Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda vào Việt Nam đạt khoảng hơn 600 triệu USD. Hiện Honda có ba nhà máy xe máy và một nhà máy ô tô hoạt động với hơn 10.000 công nhân viên đang làm việc, cùng với các công ty vệ tinh trên toàn quốc.

So với các dự án tỷ USD hiện tại, số vốn đầu tư của Samsung không quá lớn nhưng so sánh tổng vốn đầu tư FDI khi đó, Samsung và Honda là những nhà đầu tư quan trọng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Vốn FDI đăng ký mới từ năm 1991 đến nay. (Nguồn: GSO).

Năm 2008 là năm có số vốn đầu tư FDI đăng ký lớn nhất từ trước đến nay và cũng là đỉnh điểm của làn sóng FDI lần thứ hai vào Việt Nam kể từ năm 2005. Biểu đồ thu hút vốn FDI trong thời gian qua cho thấy, năm 2008 thu hút vốn FDI đạt mức cao nhất, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 1996 - năm đỉnh điểm của làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, các dự án có số vốn lớn nhất chủ yếu nằm ở lĩnh vực sản xuất thép hoặc bất động sản như: Dự án Công ty TNHH Thép Vinashin - Lion (Malaysia) có số vốn đăng ký 9,8 tỷ USD; Dự án Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa của Đài Loan 7,9 tỷ USD; Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Nhật Bản và Kuwait liên doanh 6,2 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH New City Việt Nam 4,3 tỷ USD và Dự án Hồ Tràm của Canada trên 4,2 tỷ USD.

Bên cạnh các dự án thép cùng đổ bộ vào Việt Nam khiến số vốn đăng ký tăng đột biến, năm 2008 cũng đánh dấu hàng loạt ông lớn công nghệ tham gia và mở rộng đầu tư vào Việt Nam như: Intel, Compal, Foxconn, Samsung... Đặc biệt trong năm 2008 còn xuất hiện dự án của các tập đoàn lớn, như Good Choi (Mỹ), Berjaya (Malaysia).

 Vốn FDI thực hiện từ năm 1991 đến nay. (Nguồn: GSO).

Năm 2015, Samsung Việt Nam ghi dấu ấn với dự án Samsung Display được đăng ký năm 2014 có vốn đầu tư 1 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công các loại màn hình.

Đến nay, Samsung đã đầu tư tại Việt Nam tổng cộng 19 tỷ USD bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

2023 ghi dấu ấn doanh nghiệp bán dẫn

Năm 2023 được kỳ vọng cũng sẽ trở thành một cú hích thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam các năm tiếp theo. Kể từ đầu năm đến nay, hàng loạt tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới đã đẩy mạnh các động thái đầu tư vào Việt Nam.

Với Nvidia, tập đoàn này đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam nhưng tuyên bố sẽ thành lập pháp nhân và "biến Việt Nam trở thành quê hương thứ hai" của Nvidia của Chủ tịch Jensen Huang nhận được nhiều sự quan tâm.

Ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia trong chuyến thăm Việt Nam. (Ảnh: MPI).

Ông Huang đánh giá Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương.

“Vấn đề hiện giờ là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI”, ông Jensen Huang nói về mục tiêu của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trước đó, Hana Micron cũng khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc và là nhà máy thứ hai tại Việt Nam hay Công ty bán dẫn Amkor, Mỹ cũng khởi công dự án bán dẫn với tổng mức đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD.

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện được kỳ vọng sẽ kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư. Kỳ vọng này ngày càng lớn khi những Chủ tịch, CEO của các tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới ngày càng quan tâm đến Việt Nam.

Hạ An