|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan tiếp tục đổ vào Việt Nam

16:30 | 19/10/2019
Chia sẻ
Dòng vốn đầu tư từ Đài Loan sẽ tiếp tục gia tăng vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng khó dự báo nhằm đón đầu những lợi thế về hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam.

Việt Nam trở thành "miền đất lành" cho các nhà đầu tư Đài Loan

Thông tin tại Hội thảo "Đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời hội nhập: Góc nhìn về tiềm năng và các rủi ro pháp lí" diễn ra vào ngày 18/10 tại TPHCM cho biết kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ổn định, trung bình từ 6 – 7%/năm, sở hữu thị trường nhiều tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng đa dạng. 

Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài và là một trong các mục tiêu hướng đến trong chiến lược mở rộng phát triển của Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm gần đây.

Lũy kế đến hết tháng 8/2019, Đài Loan (Trung Quốc) có 2.661 dự án với gần 32 tỉ USD vốn đăng kí, đứng thứ 4/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam

Đầu tư của Đài Loan hiện đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, trong đó tập trung vào các ngành sản xuất và công nghiệp chế biến, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

b5f3a4ccece80ab653f9

Toàn cảnh Hội thảo "Đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời hội nhập: Góc nhìn về tiềm năng và các rủi ro pháp lí". Ảnh: NH.

Bà Kristy Tsun-Tzu Hsu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN Đài Loan (Trung Quốc), Viện nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua, cho biết Việt Nam là điểm đến quan trọng của nhiều doanh nghiệp Đài Loan với vốn cam kết hàng năm chiếm đến 1/3 tổng vốn đầu tư mà các nhà đầu tư từ vùng lãnh thổ này cam kết vào khu vực ASEAN. 

Đáng chý ý, trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng càng mở ra cơ hội mới cho hợp tác kinh tế và thương mại Đài Loan - Việt Nam. 

Bởi cuộc chiến này khiến không ít doanh nghiệp Đài Loan ở Trung Quốc phải dịch chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN và Việt Nam được lựa chọn nhiều, bà Kristy cho hay.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng Việt Nam đang là cơ hội cho các nhà đầu tư thế giới trong đó đáng chú ý là Đài Loan, nhờ chính sách mở cửa và hội nhập cao.

Với môi trường kinh doanh hấp dẫn, an ninh, an toàn, ổn định về chính trị, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nguồn nhân lực trẻ dồi dào… Đó là những yếu tố tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư Đài Loan.

Ngược lại, thị trường Đài Loan cũng có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sang Đài Loan mặt hàng điện thoại di động, thủy sản, giày dép các loại, hàng dệt may... Phía Đài Loan còn có nhu cầu nhập khẩu một số lượng lớn thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ người dân và khách du lịch.

Bên cạnh đó, những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế thế giới cũng là lí do để Việt Nam trở thành "miền đất lành" cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Đài Loan, vốn đã rót vốn lớn thứ tư ở Việt Nam.

5d9558b31097f6c9af86

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Ảnh: NH

Cần chuẩn bị và có phương án phòng ngừa rủi ro khi đầu tư, giao thương

Theo các chuyên gia, trong những nước đang phát triển, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở nhất về thương mại và đầu tư, đang rất cần các nhà đầu tư uy tín, công nghệ, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (New Sun Law), trọng tài viên VIAC, cho rằng khi quyết định rót vốn nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro pháp lí nổi bật có thể gặp phải như rủi ro về thực thi qui định pháp luật Việt Nam, rủi ro về đất đai và tài sản gắn liền với đất hay những rủi ro liên quan đến việc kí kết hợp đồng... 

Các nhà đầu tư cần phải chuẩn bị và cần phải có phương án phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro, tránh tối đa các tranh chấp có thể phát sinh mà có thể dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc

Ông Bùi Văn Thành đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp có ý định đầu tư.

Trong khi đó, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư kí Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết số vụ tranh chấp và trị giá tranh chấp đang ngày càng gia tăng.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, VIAC ghi nhận vụ 235 vụ tranh chấp được thụ lí và giải quyết với tổng trị giá tranh chấp lên tới hàng nghìn tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) đã tiếp nhận 6 vụ hòa giải trong lĩnh vực xây dựng với tổng trị giá tranh chấp gần 950 tỉ đồng.

Ông Bắc cho biết thêm khi có tranh chấp xảy ra thường nhà đầu tư, doanh nghiệp chọn phương án đưa ra tòa án. 

Tuy nhiên, theo ông xu hướng sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong những năm gần đây thông qua thương lượng, hòa giải và trọng tài là điều mà nhà đầu tư, doanh nghiệp cần lưu ý.

Bởi việc tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao khả năng sử dụng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại sẽ giúp các nhà đầu tư thêm an tâm khi đầu tư, mở rộng sản xuất cũng như giao thương với thị trường Việt Nam, đặc biệt sẽ không "bỡ ngỡ" nếu buộc phải tham gia vào các vụ tranh chấp.

Như Huỳnh