|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng cấm TikTok trên thế giới

10:24 | 14/03/2023
Chia sẻ
Sau Mỹ và EU, Bỉ tuyên bố TikTok sẽ bị cấm trên các thiết bị do Chính phủ sở hữu.

Liên tiếp bị cấm vận ở nhiều nơi

Theo NBC News, Bỉ đang cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các ứng dụng do Chính phủ quản lý vì lo ngại những vấn đề về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch. Động thái được đưa ra sau những hành động tương tự được các cơ quan chức năng ở Mỹ và EU áp dụng.

Ứng dụng chia sẻ video do công ty Trung Quốc sở hữu sẽ tạm thời bị cấm trên các thiết bị được Chính phủ Liên bang Bỉ sở hữu hoặc trả tiền trong ít nhất sáu tháng, theo một bài đăng trên webiste.

Về phía TikTok, họ cho biết “thất vọng về việc đình chỉ này, dựa trên thông tin sai lệch cơ bản về công ty của chúng tôi”. Công ty cho biết họ “sẵn sàng gặp gỡ các quan chức để giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào và đập tan những quan niệm sai lầm”.

 Logo ứng dụng TikTok trên smartphone. (Ảnh: Getty).

TikTok thuộc sở hữu của ByteDance - một doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Doanh nghiệp này đã chuyển trụ sở chính đến Singapore vào năm 2020. Công ty đã tìm cách tách mình khỏi nguồn gốc Trung Quốc, họ khẳng định công ty mẹ của họ được thành lập bên ngoài Trung Quốc và phần lớn thuộc sở hữu của các nhà đầu tư, tổ chức toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay, ba tổ chức chính của Liên minh châu Âu và Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã ra lệnh cho nhân viên xoá ứng dụng này khỏi các thiết bị được sử dụng cho hoạt động chính thức. Các lệnh cấm tương tự đã được áp dụng ở Canada và Mỹ.

Một ủy ban Hạ viện Mỹ vào hôm 1/3 thậm chí còn ủng hộ một bước tiến gay gắt hơn khi bỏ phiếu thông qua luật cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị trên toàn quốc.

Trước đó, năm 2020, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên thông qua lệnh cấm TikTok trên phạm vi cả nước. Thời điểm đó, TikTok nằm trong số 59 ứng dụng do Trung Quốc sở hữu bị cấm ở Ấn Độ với cáo buộc âm thầm truyền dữ liệu người dùng ra các máy chủ bên ngoài Ấn Độ.

Tranh cãi về TikTok là một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu rộng lớn hơn giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh phương Tây về ưu thế công nghệ và kinh tế.

Tờ NBC News cho biết lệnh cấm của Bỉ dựa trên các cảnh báo từ dịch vụ an ninh quốc gia và trung tâm an ninh mạng của họ. Các tổ chức này thông tin rằng TikTok có thể thu thập dữ liệu người dùng và điều chỉnh các thuật toán để thao túng nguồn cấp tin tức và nội dung của nó.

Họ cũng cảnh báo rằng TikTok có thể bị buộc phải thực hiện hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. “Chúng ta đang ở trong bối cảnh địa chính trị mới, nơi ảnh hưởng và giám sát giữa các quốc gia đã chuyển sang thế giới kỹ thuật số. Chúng ta không được ngây thơ: TikTok là một công ty Trung Quốc ngày nay có nghĩa vụ hợp tác với các cơ quan tình báo. Đây là sự thật. Cấm sử dụng nó trên các thiết bị dịch vụ liên bang là một điều hiển nhiên”, thông báo từ Chính phủ Bỉ cho hay.

Phản ứng của TikTok

TikTok cho biết dữ liệu người dùng được lưu trữ ở Mỹ và Singapore, đồng thời chỉ ra các biện pháp mới để giảm bớt những lo ngại của châu Âu bằng cách lưu trữ dữ liệu người dùng tại các trung tâm dữ liệu của châu Âu.

Là một phần của động thái trên, công ty xác nhận sẽ sớm mở trung tâm dữ liệu thứ hai ở Ireland và một trung tâm khác ở vùng Hamar của Na Uy. Các trung tâm dữ liệu này sẽ được vận hành bởi một bên thứ ba không được tiết lộ với tổng chi phí hàng năm dự kiến 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD).

“Chính phủ Trung Quốc không thể ép buộc một quốc gia có chủ quyền khác cung cấp dữ liệu được lưu trữ trên lãnh thổ của quốc gia đó”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

TikTok gọi các lệnh cấm là “sân khấu chính trị”. Brooke Oberwetter, phát ngôn viên của TikTok, cho biết: “Cách nhanh nhất và triệt để nhất để giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào về an ninh quốc gia đối với TikTok là CFIUS (Uỷ ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ) thông qua thỏa thuận được đề xuất mà chúng tôi đã làm việc với họ trong gần hai năm”. 

Bên cạnh đó, TikTok cũng cố gắng tìm kiếm thêm các đồng minh để thúc đẩy kế hoạch mà mình đã đệ trình lên chính phủ. Ngoài TikTok, hàng triệu người Mỹ, những người sáng tạo nội dung số và nhà tiếp thị sẽ không muốn thấy nền tảng này biến mất và việc chặn một ứng dụng phổ biến có thể tạo ra phản ứng dữ dội trong giới trẻ.

Đức Huy