|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lần đầu tiên trong lịch sử, một cá nhân Trung Quốc được toà án tuyên bố phá sản

06:30 | 11/10/2019
Chia sẻ
Một tòa án địa phương tại Trung Quốc vừa phê chuẩn thỏa thuận vỡ nợ cá nhân đầu tiên trong lịch sử của đất nước tỉ dân, tạo ra một tiền lệ có thể lan rộng khắp Trung Quốc khi mà mức nợ hộ gia đình tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc.
2b511852-e33c-11e8-9876-950c8650801f_image_hires_162627

Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc có 14,43 triệu dân bị tòa án liệt vào danh sách đen "các cá nhân mất tín nhiệm xã hội", tương đương hơn 1% tổng dân số, trong đó phần lớn xuất phát từ nợ chưa thanh toán. (Ảnh: Bloomberg)

Cá nhân đầu tiên trong lịch sử được toà tuyên phá sản

Tòa án ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang - cái nôi của nền kinh tế khu vực tư nhân của Trung Quốc, đã đưa ra phán quyết rằng một người đàn ông địa phương họ Cai chỉ phải trả 1,5% (tương đương 32.000 nhân dân tệ) trong số nợ 2,14 triệu nhân dân tệ trong 18 tháng tới.

Theo South China Morning Post, tòa án không nêu rõ bằng cách nào ông Cai, người có thu nhập hộ gia đình hàng tháng rơi vào khoảng 8.000 nhân dân tệ, lại tích lũy khoản nợ trên.

"Ông ấy có cổ phần 1% trong một công ty sản xuất máy móc và mức góp vốn của ông vào công ty là 5.800 nhân dân tệ. Ông sở hữu một chiếc xe máy bị hư hỏng và một khoản tiền tiết kiệm nhỏ ở ngân hàng", Wenzhou Daily, một tờ báo địa phương đưa tin.

"Bên cạnh đó, vợ ông Cai còn bị cao huyết áp và mắc bệnh thận trong nhiều năm, khiến hóa đơn viện phí cao ngất ngưỡng và các con ông vẫn còn học đại học. Thu nhập của cả gia đình không đủ chi tiêu và ông ấy rõ ràng không thể trả được khoản nợ khổng lồ đó", trang tin trên cho biết.

Những rắc rối người dân Trung Quốc phải chịu khi mắc nợ xấu

Phiên tòa mang tính bước ngoặt này diễn ra vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một khung pháp lí trên toàn quốc nhằm xử lí số lượng người dân không có khả năng chi trả nợ.

Theo số liệu chính thức, tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc có 14,43 triệu dân bị tòa án liệt vào danh sách đen "các cá nhân mất tín nhiệm xã hội", tương đương hơn 1% tổng dân số, trong đó phần lớn xuất phát từ nợ chưa thanh toán.

Ông Cai có thể khôi phục cấp bậc xã hội là "đáng tin cậy" ba năm sau khi hoàn trả khoản tiền đã thỏa thuận, mặc dù cho đến lúc đó, ông không được phép đi công tác hoặc đi khoang hạng nhất trên mạng lưới đường sắt cao tốc, không làm đại diện hợp pháp cho bất kì tổ chức kinh doanh nào.

Đồng thời, ông còn phải xin phép đặc biệt nếu muốn đi du lịch nước ngoài, tòa án Ôn Châu, Chiết Giang đưa ra phán quyết.

Nếu thu nhập hàng năm của hộ gia đình ông Cai vượt quá 120.000 nhân dân tệ sau 6 năm hoàn trả 1,5% khoản nợ, ông sẽ phải dùng 50% khoản thu nhập này để trả cho chủ nợ, tờ Wenzhou Daily đưa tin.

Ngoài ra, tờ báo trên còn cho biết trường hợp của ông Cai đã tạo ra một "tiền lệ hành pháp", củng cố việc thành lập hệ thống [tuyên bố] vỡ nợ cá nhân tại Trung Quốc.

Ý tưởng về vỡ nợ cá nhân còn nhiều bỡ ngỡ và tranh cãi tại Trung Quốc

Vào tháng 10/2018, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết hệ thống tòa án của nước này nên nghiên cứu và thúc đẩy hệ thống vỡ nợ cá nhân vì các vụ kiện liên quan đến công dân mất khả năng thanh toán nợ đã tăng mạnh trong nước.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước tỉ dân, đã ban hành một văn bản chính sách chung với 12 bộ khác vào tháng 7, trong đó cho biết Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các qui tắc giúp các cá nhân dễ dàng tuyên bố vỡ nợ.

Vỡ nợ cá nhân, chính sách cho phép một cá nhân không thanh toán khoản nợ vượt mức chi trả, là một ý tưởng xa lạ tại Trung Quốc cho đến khoảng một thập kỉ trước.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mâu thuẫn khi các hộ gia đình đang có mức nợ ngày càng tăng, với tỉ lệ nợ hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội tăng từ 11% năm 2006 lên 53,6% vào cuối quí I/2019.

Đồng thời, vỡ nợ cá nhân còn gây tranh cãi vì nhiều chuyên gia lo ngại người dân có thể lạm dụng việc này để tránh trả nợ.

Theo Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, các tòa án trên toàn quốc đã thụ lí 18.823 vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong năm 2018, tăng 97,3% so với cùng kì năm ngoái. 

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.