|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang châu Âu theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới

15:09 | 23/06/2021
Chia sẻ
Theo Bộ Công Thương thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết ngày 22/6, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức).

Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành. 

Với mô hình người tiêu dùng nước ngoài đặt hàng trên Vỏ Sò Global, trực tiếp thanh toán đơn hàng thông qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử này sẽ thực hiện gom đơn, vải thiều sẽ được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu trong một phạm vi nhất định.

Hình thức mua hàng trên thương mại điện tử đã rất phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu, tuy nhiên việc có thể đặt mua vải thiều Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Việt, sau đó khoảng từ 4 – 5 ngày nhận được những hộp vải tươi ngon, được bảo quản tốt đã mang lại trải nghiệm thú vị cho kiều bào Việt Nam ở Đức. 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá: “Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới là dấu mốc đặc biệt, có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao ra thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như thị trường Châu Âu”.

Để thông luồng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đã giao các bộ ngành liên quan hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.

Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. 

Với lợi thế của thương mại điện tử đó là có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, do vậy phạm vi nhóm hàng, sản phẩm được mở rộng hơn, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn trước. 

Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hoá, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hoá, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Đây chính là những vấn đề mà doanh nghiệp, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải tìm hiểu, nắm bắt và thực hành thao tác thành thạo.

Như Huỳnh