|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế

14:34 | 08/06/2021
Chia sẻ
30 điểm cầu bao gồm 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước như Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc...cùng trao đổi về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.

Ngày 8/6, tại hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn thông tin năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, báo Bắc Giang đưa tin.

Trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53.000 tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. 

Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Các vấn đề được tập trung thảo luận tại các điểm cầu là tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều bảo đảm các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường tiềm năng; hỗ trợ tỉnh giám sát toàn bộ quá trình thu hoạch, xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, TP phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Australia, Singapo và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh kết nối, tiêu thụ vải thiều.

Đồng thời đề nghị Đại sứ quán, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại Trung Quốc tại Việt Nam; Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam; Chính quyền và các cơ quan chức năng thị Bằng Tường, huyện Hà Khẩu - Trung Quốc tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang.

"Tạo điều kiện cho các thương nhân, thương hội hoa quả là bạn hàng truyền thống chưa có điều kiện sang Bắc Giang thực hiện phương thức giao nhận hàng linh hoạt, tiêu thụ vải thiều thông qua các kênh trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi về bố trí kho, bãi tập kết vải thiều, giải quyết thủ tục hành chính, làm thêm giờ để tăng thời gian thông quan, ưu tiên thông quan, phân luồng riêng cho các xe chở vải thiều khi nhập khẩu vào Trung Quốc...", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.

Như Huỳnh

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.