Lần đầu tiên năng lượng mặt trời rẻ hơn năng lượng gió
Ảnh minh họa: huffingtonpost |
Một sự kiện đáng chú ý xảy ra trên thị trường năng lượng thế giới, đó là lần đầu tiên, năng lượng mặt trời rẻ hơn năng lượng gió.
Trong quá khứ, điều này từng xảy ra ở vài dự án riêng lẻ. Ví dụ, một dự án ở Trung Đông đã đưa chi phí sản xuất năng lượng mặt trời xuống mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, nay năng lượng mặt trời, kể cả khi không nhận được trợ cấp từ chính phủ, đang bắt đầu rẻ hơn than đá và khí tự nhiên trên diện rộng. Đáng chú ý hơn nữa, việc xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời tại các thị trường đang phát triển cũng dần trở nên rẻ hơn so với dự án năng lượng gió, theo báo cáo mới nhất từ bộ phận nghiên cứu năng lượng của Bloomberg (BNEF).
Đồ thị dưới đây cho thấy chi phí trung bình cho mỗi dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời từ 58 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Chi phí cho các dự án năng lượng mặt trời giảm đáng kể và hiện thấp hơn cả năng lượng gió, khiến giá loại điện này giảm đáng kể. Không nhiều người dự báo được rằng điều này sẽ xảy ra sớm như hiện nay.
Chi phí vốn trung bình cho dự án năng lượng mặt trời (đường màu vàng) và dự án năng lượng gió (đường màu xanh) lắp đặt trên đất liền tại 58 quốc gia ngoài khối OECD trong 6 năm qua. |
"Ngành đầu tư vào điện mặt trời đi từ không có gì, gần như không gì cả vào khoảng 5 năm trước đến những thành tựu đạt được như hiện nay", ông Ethan Zindler, người đứng đầu nhóm phân tích chính sách của bộ phận nghiên cứu năng lượng sạch BNEF của Bloomberg nhận xét.
"Góp phần lớn vào câu chuyện này là Trung Quốc, nơi đã nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng mặt trời, cũng như giúp đỡ các nước khác đầu tư vào dự án của riêng họ", ông này nói thêm.
Giá chỉ bằng nửa than đá
Năm nay đánh dấu bước tiến dài của năng lượng mặt trời. Nhờ hình thức đấu giá, nơi các công ty tư nhân cạnh tranh với nhau để giành hợp đồng cung cấp điện năng, giá năng lượng mặt trời liên tục phá kỷ lục về mức độ rẻ.
Hồi tháng một, một hợp đồng cung cấp điện ở Ấn Độ đạt kỷ lục với giá 64 USD mỗi megawatt trên giờ. Đến tháng 8, một hợp đồng ở Chile tiếp tục phá kỷ lục với giá chỉ 29,10 USD mỗi megawatt trên giờ. Mức giá kỷ lục này chỉ bằng một nửa so với nhiệt điện than.
"Năng lượng tái tạo đang bước vào kỷ nguyên mới cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch", Chủ tịch của BNEF nhận xét trong báo cáo gửi khách hàng tuần này.
Việc chuyển dịch sang dùng năng lượng sạch ở các nước giàu có thể đắt đỏ hơn, do nhu cầu điện tại đây hiện đi ngang, thậm chí giảm, đồng thời điện mặt trời phải cạnh tranh với những dự án nhiệt điện than và khí trị giá hàng tỷ đôla đã hiện hữu.
Tuy nhiên, ở các nước đang có nhu cầu cấp bách cần thêm nguồn điện năng mới càng sớm càng tốt, "năng lượng tái tạo sẽ đánh bại bất cứ công nghệ gì ở một thế giới không có trợ cấp", ông này nói tiếp.
Bước ngoặt
Thế giới vừa chuyển sang một bước ngoặt khi nguồn cung năng lượng sạch mới hằng năm vượt năng lượng từ than đá và khí gas cộng lại. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch dùng cho điện năng có thể sẽ đạt đỉnh chỉ trong một thập kỷ tới.
Báo cáo hôm nay của BNEF, với tên gọi Climatescope, đã xếp hạng các nền kinh tế mới nổi về khả năng thu hút vốn cho dự án năng lượng sạch ít carbon. Những vị trí dẫn đầu là Trung Quốc, Chile, Brazil, Uruguay, Nam Phi và Ấn Độ.
Khi đề cập đến vấn đề đầu tư vào năng lượng tái tạo, các nền kinh tế mới nổi chiếm những vị trí đầu bảng trong số 35 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi tiêu tổng cộng 154,1 tỷ USD trong năm 2015, so với con số 153,7 tỷ USD của các nước phát triển, theo báo cáo của BNEF.
Tốc độ tăng trưởng số dự án năng lượng sạch cao hơn tại các nền kinh tế mới nổi, do đó nhóm này vẫn tiếp tục sẽ là những người dẫn đầu trong cuộc đua, nhất là khi hiện có tới ba phần tư trong số các nước nói trên đã thiết lập mục tiêu về năng lượng sạch.
Tuy vậy, hiện nay việc xây dựng các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời sẽ mất nhiều thời gian, và nhiên liệu hóa thạch vẫn là lựa chọn rẻ nhất, nhất là ở những nơi ít gió và nắng. Than đá và khí gas sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng cho hàng triệu người trong nhiều năm tới đây.
Nhưng với những nơi còn phụ thuộc vào nguồn khai thác dầu lửa đắt đỏ, hay những ai chưa được hưởng chút điện nào, hoặc với những vùng dân cư đang sống trong làn khói mù ô nhiễm tại các thành phố đông đúc, việc chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời sẽ cần càng sớm càng tốt.