Làm rõ tính pháp lý vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank gần 9 triệu thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng
Trong khi khách hàng P.H.A (tỉnh Quảng Ninh) khẳng định không tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ, không được ngân hàng gửi các thông báo sớm, Eximbank nhấn mạnh: “Đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, nhưng khách hàng chưa có phương án xử lý nợ”.
Chưa tìm được tiếng nói chung?
Khách hàng P.H.A vào tháng 3/2013 có nhờ nhân viên tên G làm việc tại Chi nhánh Eximbank Quảng Ninh làm thẻ tín dụng, nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ tín dụng này. “Trong lúc làm hồ sơ mở thẻ, nhân viên ngân hàng tên G đã yêu cầu ký vào đơn mở thẻ tín dụng và biên nhận thẻ trước, sẽ thông báo kết quả sau. Tuy nhiên, khi nhận, khách hàng P.H.A chỉ được nhân viên này bàn giao thẻ ghi nợ nội địa và thông báo 'không đủ điều kiện làm thẻ tín dụng'”, ông P.H.A chia sẻ.
Ông P.H.A giải thích thêm, thời điểm đó, mức lương chỉ có 5 triệu đồng, nhân viên G nói “mức lương này thấp, phải xin thêm ý kiến người có thẩm quyền, khả năng là được và hẹn sẽ liên lạc lại. Nhưng sau đó nhân viên này không liên lạc.
Đến năm 2017, sau 4 năm, do có nhu cầu vay vốn ngân hàng, ông P.H.A mới “tá hỏa” về khoản nợ xấu tại Eximbank, với nợ gốc và lãi hơn 100 triệu đồng. Ông khẳng định: “Chữ ký trong biên lai hai giao dịch đều không phải của mình, nên không thanh toán số tiền và chưa thống nhất được với ngân hàng”.
Ông P.H.A từng đưa ra phương án xử lý chấp nhận khắc phục hậu quả bằng việc trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, mặc dù số tiền này bản thân không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng ý, yêu cầu ông phải thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi lên tới hơn 110 triệu đồng. Đáng chú ý, khi ông P.H.A yêu cầu sao kê, thấy có đóng lãi tháng đầu tiên, nên đề nghị ngân hàng kiểm tra ai là người đóng lãi và đóng bằng hình thức nào? Nhưng ngân hàng không hồi âm.
Đề cập về vấn đề này, đại diện ngân hàng Eximbank cho biết: “Khách hàng P.H.A mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013, với hạn mức 10 triệu đồng. Phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
“Đây là khoản nợ quá hạn kéo dài, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, nhưng khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ. Việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong xử lý, thu hồi nợ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng. Về phương thức tính lãi, phí là phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ”, đại diện Eximbank cho biết...
Làm rõ tính pháp lý của các giao dịch và cách tính lãi
Theo các chuyên gia ngân hàng, trường hợp khách hàng P.H.A chia sẻ không sử dụng thẻ tín dụng Eximbank mà vẫn phát sinh dư nợ, cần cơ quan công an vào cuộc điều tra (có hay không việc phát hành thẻ khống). Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về sự việc. Trong hợp đồng phát hành thẻ tín dụng thường ghi rõ lãi suất, nhưng vấn đề là làm thế nào mà dư nợ gốc, lãi lên tới 8,8 tỷ đồng?
Cần hiểu rõ rằng, thẻ tín dụng tiêu trước, trả sau 45 ngày không tính lãi, nếu thanh toán toàn bộ, nhưng nếu chỉ trả ở mức tối thiểu, lãi gia tăng tời 18 - 25%/năm. Đến hạn không thanh toán, cả khoản vay sẽ bị lãi suất quá hạn, gấp 1,5 lần mức thông thường.
Theo đại diện NHNN, nếu sự việc tranh chấp dân sự này được đưa ra toà và toà án yêu cầu NHNN xác nhận cách tính lãi của ngân hàng đúng hay sai, cơ quan này sẽ trả lời. Còn lại, việc tham gia vào tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền NHNN.
Đề cập về cách tính lãi của ngân hàng khi nợ thẻ tín dụng quá hạn, theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, mỗi ngân hàng sẽ tính theo tháng, mỗi tháng sẽ tính lãi phạt 5%/tháng. Nếu khách hàng không trả, tháng sau sẽ tiếp tục nhập vốn và tính lãi. Khoản dư nợ vẫn được cộng gộp, bao gồm nợ gốc, lãi quá hạn, lãi trên khoản tiền chưa trả, phí phạt trả chậm…
Đây có thể hiểu là cách tính lãi suất kép, tính theo từng tháng. Nếu như khách hàng quên hoặc cố tình không trả, đến tháng sau sẽ ghi nhận, tùy theo hợp đồng và tùy ngân hàng cho phép 60 - 90 ngày tính không còn trong hạn trả lãi bình thường và bắt đầu đưa vào nợ quá hạn. Đây là cách tính của Eximbank từ 8,5 triệu lên 8,8 tỷ đồng. Số tiền sẽ ngày càng tăng sau mỗi chu kỳ nợ và tốc độ tăng ở những chu kỳ càng về cuối càng cao.
Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, nhiều chuyên gia ngân hàng lưu ý: Người dùng thẻ tín dụng cần đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ. Thẻ tín dụng có thể miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS.Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhấn mạnh: “Thông tin này khá bất ngờ, thậm chí gây ‘sốc’ cho khách hàng, khi tiền nợ gốc có hơn 8 triêu đồng, tiền nợ lãi lên đến hơn 8 tỷ đồng. Với mức lãi suất này, chắc chắn khách hàng sẽ yêu cầu ngân hàng phải giải thích về cách tính lãi, các giao dịch đã phát sinh.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ, vì sao khoản nợ này lại kéo dài, phía ngân hàng có đốc thúc trả nợ, thông báo dư nợ thường xuyên hay không? Vụ việc có thể ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và quyền lợi của khách hàng. Trường hợp phát sinh các giao dịch trong thời gian khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cần làm rõ tính hợp pháp của các giao dịch để đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định của pháp luật.
Các thủ tục Eximbank đã thực thi để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A:
Ngày 16/9/2013: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 12/12/2017: Khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Ngày 23/12/2017: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán; đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng.
Ngày 19/8/2021: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A.
Ngày 10/5/2022: Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
Ngày 8/11/2023: Eximbank AMC có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng xử lý khoản nợ nêu trên.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/