Lạm phát 'cứng đầu' thử thách nỗ lực của Fed
Mặc dù mang hình ảnh của một nền kinh tế đang "hạ cánh mềm", Mỹ dường như còn đứng trước ngã rẽ đầy rủi ro. Lạm phát vẫn chưa về mức mục tiêu, thị trường lao động bất ổn, và “bóng ma” của chính sách kinh tế đầy bất trắc trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hiện hữu.
Liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định hạ thêm lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/12 tới, hay sẽ tạm dừng điều chỉnh lãi suất để quan sát, trước những dữ liệu kinh tế trái chiều và triển vọng kinh tế khó đoán định?
Sách Be (Beige Book) hé lộ bức tranh kinh tế đa sắc
Báo cáo Sách Be (Beige Book) được Fed công bố ngày 4/12 cho thấy bức tranh kinh tế Mỹ khá phức tạp. Hoạt động kinh tế đã tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực, với ba khu vực ghi nhận tăng trưởng từ khiêm tốn đến trung bình để bù đắp cho một số khu vực có hoạt động trì trệ hoặc suy giảm nhẹ.
Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan thận trọng về khả năng nhu cầu tăng trong những tháng tới. Tiêu dùng cá nhân, yếu tố chi phối phần lớn đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, tăng mạnh trong tháng 10/2024 và có khả năng duy trì đà này trong tháng 11 nhờ doanh số bán ô tô bùng nổ. Trong khi đó, chi tiêu xây dựng tăng trong tháng 10 và đầu tư vào thiết bị doanh nghiệp có dấu hiệu giảm sút.
Tuy nhiên, báo cáo cũng phác họa những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá cả tăng vừa phải, nhưng các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng. Giá đầu vào tăng nhanh hơn giá bán, dẫn đến lợi nhuận giảm.
Các doanh nghiệp dự báo tốc độ tăng giá hiện tại sẽ duy trì, và lo ngại về rủi ro gia tăng lạm phát do thuế quan. Đây là điểm đáng lưu tâm, nhất là khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ đẩy lạm phát leo thang.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa từ Mexico và Canada, cùng với 10% thuế bổ sung lên hàng hóa từ Trung Quốc ngay ngày đầu nhậm chức.
Tín hiệu trái chiều từ thị trường việc làm
Mặc dù báo cáo Sách Be cho thấy triển vọng tăng trưởng tương đối tích cực, dữ liệu việc làm của Mỹ lại cho thấy những tín hiệu trái chiều.
Báo cáo từ ADP cho thấy việc làm khu vực tư nhân tăng trưởng vừa phải trong tháng 11/2024, bất chấp tác động từ các cơn bão gần đây và đình công trong ngành sản xuất. Theo dự báo, nền kinh tế Mỹ có thể tạo thêm 200.000 việc làm trong tháng 11/2024, tăng mạnh so với chỉ 12.000 việc làm trong tháng trước đó.
Các nhà kinh tế nhận định mặc dù tốc độ tạo việc làm có dấu hiệu chậm lại, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ do tỷ lệ sa thải thấp, mức lương tăng ổn định và giá trị tài sản hộ gia đình cao.
Lạm phát: Vấn đề nan giải
Lạm phát vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù lạm phát đã giảm từ mức đỉnh khoảng 9% hồi giữa năm 2022 xuống còn khoảng 2,5%, nhưng vẫn trên mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tốc trở lại trong tháng 10/2024, đặc biệt do giá nhà ở tăng cao, cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn “cứng đầu”.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng mạnh hơn dự kiến. Nhiều chuyên gia kinh tế, như Giáo sư Richard Roberts, cảnh báo lạm phát tại Mỹ có thể tăng lên khoảng 3% vào cuối năm 2025.
Thêm vào đó, các chính sách mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử, bao gồm tăng thuế quan và giảm thuế doanh nghiệp, có khả năng làm gia tăng lạm phát. Việc các quốc gia khác có thể trả đũa bằng thuế quan cũng càng làm phức tạp thêm tình hình.
Theo số liệu của Conference Board, sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của người dân Mỹ đã tăng lên trong tháng 11/2024, chủ yếu nhờ kỳ vọng lạm phát giảm và thị trường việc làm sôi động. Tuy nhiên, sự lạc quan này vẫn khá mong manh, và có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế mới của chính quyền sắp tới.
Triển vọng lạc quan nhưng thận trọng
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn so với thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, và điều này có thể làm chậm lại quá trình giảm lãi suất của ngân hàng này.
Tuy nhiên, ông không đề cập trực tiếp đến hướng đi chính sách trong cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra ngày 17-18/12. Một số quan chức Fed khác, như Thống đốc Christopher Waller, ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vào tháng 12, nhưng cũng cảnh báo về nguy cơ lạm phát "đình trệ".
Theo công cụ FedWatch của CME Group, giới đầu tư dự đoán xác suất Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 là khoảng 77,5%. Tuy nhiên, triển vọng về các đợt giảm lãi suất sau đó không còn chắc chắn như trước, do lo ngại về lạm phát và các chính sách của ông Trump.
Các chuyên gia đang chia rẽ trong việc đưa ra dự báo: một số cho rằng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025, trong khi số khác cho rằng Fed sẽ hạn chế quy mô và cường độ cắt giảm lãi suất hoặc thậm chí có thể tạm dừng, nếu lạm phát tăng mạnh hơn dự kiến.
Thách thức trước mắt
Bức tranh kinh tế Mỹ hiện nay là sự pha trộn giữa những tín hiệu lạc quan và những mối đe dọa tiềm ẩn. Mặc dù đà tăng trưởng vẫn được duy trì, song sự bất ổn về lạm phát, cùng với những ẩn số từ chính sách kinh tế mới của chính quyền sắp tới, tạo nên một triển vọng khó đoán định.
Quyết định lãi suất của Fed vào cuộc họp tháng 12 sẽ là một bước đi then chốt, không chỉ phản ánh nhận định hiện tại của ngân hàng trung ương về tình hình kinh tế mà còn định hình hướng đi chính sách trong tương lai.
Việc Fed lựa chọn giữ nguyên lãi suất hay tiếp tục giảm phụ thuộc rất lớn vào dữ liệu kinh tế được công bố trong những ngày tới. Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, khả năng Fed tạm dừng giảm lãi suất để theo dõi sát sao tình hình là rất cao.
Ngược lại, nếu lạm phát được kiểm soát và thị trường lao động tiếp tục cho thấy tín hiệu suy yếu, một lần giảm lãi suất nữa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, dù Fed có quyết định ra sao, chúng ta vẫn phải đối mặt với một thực tế: nền kinh tế Mỹ đang bước vào một giai đoạn đầy thử thách, với nhiều yếu tố bất định và tiềm ẩn rủi ro lạm phát gia tăng trong trung và dài hạn. Việc chính quyền mới sẽ thực thi chính sách như thế nào sẽ là yếu tố quyết định trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tương lai.