|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lâm Đồng: Nhiều người hiến đất làm đường rồi phân lô, tách thửa để bán

07:54 | 16/02/2022
Chia sẻ
Sau khi tách thửa, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Một số trường hợp đã và đang xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng nhà tiền chế.

UBND huyện Bảo Lâm vừa báo cáo về các nội dung về hiến đất làm đường giao thông mới và tách thửa trên địa bàn.

Báo cáo này được thực hiện theo đề nghị của tổ Công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm phục vụ công tác kiểm tra, rà soát các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, từ năm 2018 đến nay, địa phương này đã giải quyết hồ sơ để 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông. Những địa phương có nhiều hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường như xã Lộc Quảng, xã Lộc An và xã Lộc Tân.

Tổng diện tích khu đất của 77 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông trên địa bàn huyện Bảo Lâm gần 154 ha.

Trong đó, diện tích đất hiến làm đường hơn 10 ha chỉ có một hộ, 5 hộ có diện tích đất hiến trên 5 ha, 9 hộ có diện tích đất hiến hơn 3 ha; 34 hộ có diện tích đất hiến hơn 1 ha; và 28 hộ có diện tích đất hiến dưới 1 ha.

Tổng diện tích hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông mới gần 40 ha và đất mới sau khi tách thửa là 16.903 thửa. Trong đó, năm 2020 có 6.260 thửa và năm 2021 có 6.883 thửa đất. Diện tích tối thiểu của các thửa đất là 73 m2, diện tích tối đa sau khi tách là 1.600 m2.

Về quy hoạch sử dụng đất, UBND huyện Bảo Lâm cho biết, các khu đất người dân trả lại đất để làm đường giao thông được quy hoạch là đất ở và một số trường hợp quy hoạch là đất nông nghiệp.

Sau khi tách thửa, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Một số trường hợp đã và đang xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng nhà tiền chế. Cụ thể, tại xã Lộc Quảng hiện có 32 căn nhà, xã Lộc Tân hiện có 25 căn nhà, xã B’Lá xây khoảng 80 căn nhà. Các khu vực còn lại chưa xây dựng.

UBND huyện Bảo Lâm cho hay, các tuyến đường giao thông mới hình thành đấu nối với đường giao thông tại khu vực đã trải thảm nhựa và đưa vào sử dụng. Tổng diện tích các hộ dân đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở là 48,6 ha. Các hộ dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thông báo nộp tiền của Chi cục thuế khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm.

Thời điểm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng giải quyết tách thửa cho các hộ gia đình, cá nhân nói trên từ năm 2019 đến năm 2021. Cơ quan cho phép hiến đất làm đường là UBND huyện Bảo Lâm.

Lâm Đồng: Nhiều người hiến đất làm đường rồi phân lô, tách thửa để bán - Ảnh 1.

Trình trạng phân lô, tách thửa tại Lâm Đồng diễn biến phức tạp trong thời gian qua. (Ảnh: T.D).

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nổi lên tình trạng hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư, xây dựng nhà ở, dự án bất động sản. Trong đó, huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc được xem là hai “điểm nóng”.

Cuối năm ngoái, UBND TP Bảo Lộc cũng đã có báo cáo về các trường hợp xin hiến đất làm đường trên địa bàn. Cụ thể,  trong thời gian từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 3.873 trường hợp (hồ sơ) tách thửa, trong đó có 115 trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường giao thông mới, tách thành nhiều thửa đất.

Việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thành nhiều thửa đất xảy ra chủ yếu ở các địa bàn 7 xã, phường như phường Lộc Phát, xã ĐamB’ri, phường Lộc Tiến, phường 2, phường Lộc Sơn, xã Lộc Châu, phường B’Lao. 4 xã, phường còn lại xảy ra với diện tích nhỏ và tách ra ít thửa đất. Cũng có xã phường không xảy ra việc hiến đất mở đường mà chủ yếu tách thửa theo đường hiện trạng đã được thể hiện trên bản đồ địa chính.

Công Tâm

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.