|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm 3.000 km đường cao tốc trong 5 năm có phải nhiệm vụ bất khả thi?

17:09 | 05/07/2020
Chia sẻ
Theo qui hoạch đường cao tốc Việt Nam đến 2030 phải có 6.441 km đường cao tốc. Nếu sang năm xong cao tốc Bắc - Nam mới có hơn 2.000 km nên đến 2025, phải xây tối thiểu 3.000 km.

Những tính toán này được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập khi báo cáo Chính phủ và Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, về việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông.

Ông lưu ý Bộ KH&ĐT phối hợp cùng các địa phương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn để triển khai các dự án, vì nếu không đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ không có vốn để đầu tư.

Nhiệm vụ nặng nề

Nhắc đến hệ thống đường cao tốc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết theo quy hoạch đường cao tốc Việt Nam năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chúng ta phải đầu tư xây dựng 6.441 km đường cao tốc.

“Hiện nay ta chỉ có trên 1.000 km đường cao tốc. Nếu năm 2021 đưa vào cả tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đầu tư thì mới có trên 2.000 km - đạt chỉ tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm 2011-2020, tức là quá nhiệm kỳ mới đạt được. Như vậy, giai đoạn 2021-2025, chúng ta phải đầu tư tối thiểu 3.000 km đường cao tốc nữa vì 10 năm trước mới đầu tư được khoảng 2.000 km”, ông Dũng nói.

Làm 3.000 km đường cao tốc trong 5 năm có phải nhiệm vụ bất khả thi? - Ảnh 1.

Đến năm 2021, nếu cao tốc Bắc - Nam xây dựng xong, Việt Nam mới có trên 2.000 km đường cao tốc, đạt chỉ tiêu đưa ra 10 năm trước. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhiệm vụ này theo ông hết sức nặng nề, cần nguồn vốn rất lớn mà nếu dùng vốn đầu tư công thì “không thể đủ được”.

Vì thế, Phó thủ tướng cho rằng phải huy động các nguồn lực khác. Ông đề nghị Bộ KH&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch hóa đầu tư, kêu gọi nguồn lực khác xây dựng mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

Về đầu tư cảng hàng không, Phó thủ tướng cho rằng hầu hết sân bay hiện nay phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vì “lúc nào cũng thiếu”. Hiện Bộ GTVT tập trung làm nhiệm vụ này.

Riêng với sân bay Điện Biên, ông Dũng cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo và đồng ý giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện. Sân bay này không phải làm hoàn toàn bằng vốn Nhà nước mà do doanh nghiệp đầu tư vốn để xây dựng.

Hiện tỉnh Điện Biên đã bỏ ra 1.500 tỷ giải phóng mặt bằng, còn lại, ông Dũng cho rằng ACV cần khẩn trương, tập trung đầu tư để tạo ra động lực mới cho khu vực Tây Bắc phát triển.

Cũng theo Phó thủ tướng, các sân bay mới và đầu tư nâng cấp như Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài đều chủ yếu dùng nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp.

Phân lại các vùng kinh tế

Về nhiệm vụ lập quy hoạch trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng cho biết theo hướng dẫn của Luật Quy hoạch mới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lập 10 quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

“Có thể nói chưa bao giờ chúng ta làm khối lượng quy hoạch lớn như hiện nay, mà lực lượng của chúng ta thì không đủ, nhưng vẫn phải làm đồng bộ”, Phó thủ tướng nói.

Các quy hoạch gồm quy hoạch Quốc hội phê duyệt (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng không gian biển quốc gia); các quy hoạch do Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt (quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch phân vùng, quy hoạch của các ngành khác) và các quy hoạch chi tiết do tỉnh phê duyệt.

Cùng với đó, các địa phương cũng đề nghị sớm lập quy hoạch vùng, phân vùng. Phó thủ tướng cho hay việc này Hội đồng quy hoạch quốc gia đã thảo luận.

Làm 3.000 km đường cao tốc trong 5 năm có phải nhiệm vụ bất khả thi? - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc phân lại các vùng kinh tế trong cả nước là hợp lý. Ảnh: VGP.

Hiện nay, Việt Nam có 6 vùng kinh tế: Vùng miền núi và trung du phía Bắc; vùng đồng bằng Bắc Bộ; vùng duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ.

Theo Phó thủ tướng, phương án điều chỉnh lại được đa số các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, các nhà khoa học ủng hộ, đó là sẽ phân thành 7 vùng. Phương án này đang được trình Thủ tướng.

Phương án mới sẽ chia các vùng kinh tế thành 7 vùng. Một là vùng núi phía Bắc. Hai là vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Theo đó, sẽ đưa một số địa phương phát triển như Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên… về vùng này để có chung một điều kiện nhằm tranh thủ đầu tư.

Ba là vùng Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Bốn là vùng Nam Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Năm là vùng Tây Nguyên. Sáu là vùng Đông Nam Bộ và bảy là Tây Nam Bộ.

Phó thủ tướng dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc phân lại các vùng kinh tế như vậy là hợp lý. Từ việc phân lại vùng sẽ lập lại quy hoạch để có thể phân bổ sự phát triển theo lợi thế của từng vùng, xây dựng chính sách cho từng vùng để phục vụ nhiệm vụ phát triển.

Ngoài các vùng này, Phó thủ tướng cho biết còn có các vùng kinh tế đặc thù, gồm 3 vùng trọng điểm kinh tế của Bắc - Trung - Nam; vùng trọng điểm kinh tế của ĐBSCL và 2 vùng đô thị là TP.HCM và Hà Nội.

Về quy hoạch tỉnh, nhiều tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh.

Phó thủ tướng lưu ý Bộ KH&ĐT hướng dẫn các địa phương tập trung lập quy hoạch tỉnh theo hướng cần có khung, định hướng rõ để tránh sau này điều chỉnh nhiều lần, vì mỗi lần điều chỉnh rất khó khăn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoài Thu