|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm vọt lên 9%/năm

16:43 | 05/09/2019
Chia sẻ
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đang trở nên ngày càng 'nóng' khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã lên tới 9%/năm trong khi lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi cũng đã vượt 10%/năm.
ANH-GIAO-DICH

Ảnh minh họa (Nguồn: SHB)

Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng nóng

Lãi suất huy động tiền gửi đang nóng trở lại trong một vài tuần gần đây khi một loạt ngân hàng tung ra các chương trình huy động vốn với mức lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.

Mới nhất, SHB đã tiến hành điều chỉnh tăng lại suất tại một số kì hạn với mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 9%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 500 tỉ đồng tại kì hạn 13 tháng và 8,9%/năm đối với kì hạn 12 tháng.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã lên tới 9%/năm - Ảnh 2.

Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới nhất tại SHB (Nguồn: Website SHB)

Từ ngày 17/8, ABBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tại nhiều kì hạn với mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5%/năm dành cho kì hạn 12 tháng. So với mức lãi suất cũ, ABBank đã tăng lần lượt 0,7% và 0,8%/năm cho mỗi kì hạn.

Bên cạnh SHB và ABBank, nhiều ngân hàng khác cũng đang niêm yết lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ở mức cao. Đơn cử như tại VietCapitalBank, mức lãi suất cao nhất đối với hình thức tiết kiệm thông thường tại nhà băng này lên tới 8,6%/năm áp dụng cho tất cả các các khoản tiền gửi trên 24 tháng.

Tại VietBank, ngân hàng này cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm dành cho sản phẩm Tiết kiệm Trung niên an lộc tại kì hạn 36 tháng. Tương tự, SCB hiện đang niêm yết mức lãi suất 8,55% áp dụng đối với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm Đắc Lộc Phát tại các kì hạn gửi từ 13 tháng trở lên.

Cùng với việc đẩy mạnh huy động tiền gửi tiết kiệm, các ngân hàng cũng đã tung ra chương trình huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất liên tục được đẩy lên cao.

Gần đây nhất, VietCapitalBank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Trước đó, hồi tháng 4, VietABank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất lên tới 9,1%/năm dành cho khách hàng cá nhân.

Tương tự, một số ngân hàng thương mại khác đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất ở mức xấp xỉ 9%/năm như BIDV, SHB, MSB, Sacombank, SeABank…

Nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng cao

Chia sẻ về đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động trên, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê nói: "Đợt điều chỉnh lãi suất lần này là nhằm thu hút khách hàng gửi tiền kì hạn dài để gia tăng nguồn lực nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm, hiện các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kì hạn dài".

Cùng quan điểm trên, Quyền Tổng giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu cho biết ngân hàng tăng lãi suất để gia tăng lợi ích cho khách hàng và bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới. Đồng thời, giúp ngân hàng có thêm vốn để đáp ứng lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán VnDirect, có hai yếu tố đang tạo áp lực lên lãi suất huy động là yếu tố cạnh tranh ngày càng gay gắt và lãi suất điều hành có thể tăng.

Cụ thể, cuộc đua lãi suất ở các ngân hàng ngày càng "nóng" do yêu cầu nghiêm ngặt hơn về cơ cấu vốn của các ngân hàng. 

Tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% năm 2018 xuống 40% từ tháng 1/ 2019. Do đó, các ngân hàng đã đẩy mạnh tăng vốn trung và dài hạn bằng cách tăng lãi suất huy động dài hạn, phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.

Mặc dù các ngân hàng có thành công trong việc đưa tỉ lệ trên xuống dưới 40%, mảng huy động vốn vẫn cạnh tranh vì các ngân hàng phải duy trì lãi suất hấp dẫn để giữ tiền ở ngân hàng.

Gần đây, NHNN đã đưa ra một dự thảo thông tư nêu rõ ý định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống 35% vào năm 2020 và 30% vào năm 2021. Theo VnDirect, yêu cầu này sẽ gây áp lực lên lãi suất tiền gửi do các ngân hàng cho vay trung và dài hạn khá nhiều.

Quan trọng hơn, trước đây khách hàng chỉ được hưởng lãi suất cao khi họ gửi một khoản tiền lớn (hàng tỉ đồng), nhưng một số chứng chỉ tiền gửi được phát hành gần đây trả lãi suất cao trong khi yêu cầu khoản tiền gửi chỉ vài trăm triệu đồng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự gia tăng cạnh tranh huy động.

Bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, tăng trưởng tiền gửi khách hàng hiện đang duy trì ở mức thấp hơn so với tăng trưởng cho vay là một yếu tố gây áp lực lên thanh khoản trung và dài hạn khiến các ngân hàng phải tăng cường thu hút tiền gửi.

Số liệu của CTCP Chứng khoán SSI cập nhật từ báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy đến hết tháng 6/2019, cho vay khách hàng tăng 8,2% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,4%.

Trong 18 ngân hàng này, ngoại trừ VPBank, Sacombank, VietinBank, Eximbank, NCB và VietBank có mức tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng thì tăng trưởng huy động của 12 NHTM còn lại đều thấp hơn tín dụng khá nhiều.

Quốc Thụy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.