Lãi suất liên ngân hàng rơi xuống vùng thấp nhất kể từ đầu 2021
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vào cuối tuần trước đã giảm về còn 0,14%/năm vào ngày 16/7 và nhích nhẹ lên 0,15%/năm vào ngày 17/7.
Trong tuần trước (10/7 -14/7),lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiếp tục giảm mạnh xuống 0,2%/năm, tương đương giai đoạn đầu năm 2021 và nới rộng chênh lệch với lãi suất USD lên trên 450 điểm cơ bản.
Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng. Cụ thể, NHNN chỉ chào thầu 15.000 tỷ trên kênh kỳ hạn 7 ngày và không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.
Tại thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USD/VND hầu như đi ngang, trái ngược với xu hướng thế giới cho thấy áp lực tỷ giá vẫn còn khá cao.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD giao dịch ở vùng 23.650 VND/USD trong khi tỷ giá bán niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do chỉ giảm nhẹ so với với tuần trước đó.
"Mặc dù nguồn cung ngoại tệ vẫn tương đối tích cực, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các NHTW lớn trên thế giới cũng là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá", báo cáo của SSI Research nhận định.
Cho biết tại họp báo chính phủ thường kỳ đầu tháng 7, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết hiện lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức rất thấp, cho vay qua đêm cũng chỉ từ 0,4-1%/năm.
Lãi suấtcho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%/năm nhưng các ngân hàng không mặn mà với các khoản cho vay của NHNN do dư thừa thanh khoản.
Tiền rẻ nhưng tín dụng lại tăng chậm, lý giải vấn đề này ông Đào Minh Tú đã đưa ra một số nguyên nhân. Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản (BĐS) chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án BĐS thương mại và BĐS nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực BĐS, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.
Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ.
Theo số liệu mới nhất của NHNN đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM hiện lần lượt chỉ còn 5,8%/năm (giảm 70 điểm cơ bản so với cuối năm 2022) và 8,9%/năm (giảm 100 điểm cơ bản).
Trong nỗ lực mới nhất thông qua Hiệp hội Ngân hàng, các NHTM cũng cam kết giảm lãi suất thêm 1,5 - 2% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đối với việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, thông điệp đưa ra có phần nào thận trọng hơn khi phải tính đến yếu tố ổn định vĩ mô (tỷ giá, lạm phát).